Sả chanh - Cây thoát nghèo của nhiều hộ dân xã miền núi Quảng Bình
Tận dụng diện tích đất đồi dốc, người dân xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã trồng sả để sản xuất tinh dầu đem lại thu nhập cao, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững.
Sả là loài cây chủ yếu trồng trong vườn để làm gia vị, năm 2019, được sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh (RDPR), Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế và môi trường bền vững, người dân xã Trường Xuân đã mở rộng diện tích trồng cây sả.
Giám đốc RDPR Phạm Mậu Tài cho biết, đất đai ở Trường Xuân thích hợp để trồng các loại cây dược liệu, trong khi nhiều diện tích đất đồi dốc trên địa bàn người dân bỏ hoang không sản xuất. Để tạo sinh kế cho bà con, RDPR đã phối hợp thực hiện Dự án Phát triển chuỗi giá trị tinh dầu sả trên đất dốc tại xã Trường Xuân.
Có 40 hộ dân tại bản Hang Chuồn - Nà Lâm và thôn Trường Nam - Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân tham gia dự án và được hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật trồng sả chanh trên diện tích 30ha.
“Năm 2019, được RDPR và chính quyền địa phương hỗ trợ nên tôi đã mạnh dạn trồng 2ha cây sả chanh. Hai loại cây này dễ trồng, tốn ít công chăm sóc, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mang lại hiệu quả cao trong việc chống xói mòn đất”, anh Nguyễn Việt Đức, Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân nói.
Đặc biệt, cây sả chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục đến 5 năm và không bị ảnh hưởng thiên tai hay biến đổi khí hậu. Giống cây này trồng sau 8 tháng sẽ thu hoạch vụ đầu tiên. Gia đình anh Đức cũng đã mở rộng diện tích lên 2,5ha, mỗi năm cây sả cho thu hoạch 2 vụ, sản lượng 12 - 13 tấn/năm, thu nhập từ 65 - 100 triệu đồng.
Hiện tại, mỗi ngày gia đình anh thu hoạch 50kg sả, lá sả bán cho Tổ hợp tác sản xuất tinh dầu, củ sả bán cho thương lái. Khi thu hoạch, mỗi bụi sả chỉ cần để lại vài tép sả là những vụ sau sả vẫn phát triển bình thường với năng suất không giảm so với vụ đầu tiên. Không chỉ bán theo vụ, nhiều hộ dân còn tỉa các nhánh sả để bán quanh năm cho các tiểu thương.
Ngoài việc hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật trồng sả chanh cho người dân, dự án còn hỗ trợ xây dựng xưởng sản xuất với hệ thống thiết bị chưng cất tinh dầu hiện đại tại bản Hang Chuồn - Nà Lâm, mỗi năm thu mua hơn 200 tấn sả nguyên liệu.
Dự án Phát triển chuỗi giá trị tinh dầu sả tại xã Trường Xuân còn kết nối, liên kết với các doanh nghiệp hợp tác tiêu thụ sản phẩm tinh dầu thương phẩm. Giá trị của cây sả nhờ đó đã tăng lên rất nhiều lần. Nhờ trồng sả, nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát nghèo, cuộc sống được cải thiện.
Theo ông Nguyễn Viết Tâm, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây dược liệu Trường Xuân, quy trình sản xuất tinh dầu hoàn toàn khép kín với sự hỗ trợ của máy móc, nhiệt độ chưng cất tinh dầu cũng được cài tự động. Sả chanh sau khi thu hoạch về được sơ loại, rửa sạch rồi cho vào chưng cất khoảng 3 giờ. Một mẻ chưng cất 300kg sả chanh tươi sẽ cho ra 1 lít tinh dầu nguyên chất.
Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm tinh dầu sả, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp hữu cơ Lộc Việt đã liên kết, bao tiêu sản phẩm cho Tổ hợp tác. Nhờ đó, sản phẩm tinh dầu sả được nâng tầm với tên gọi tinh dầu sả chanh Lộc Việt, đã được đăng ký, công bố chất lượng và truy xuất nguồn gốc, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.
Tinh dầu sả chanh Lộc Việt được ưa chuộng bởi mùi thơm đặc trưng dễ chịu. Toàn bộ diện tích trồng cây sả chanh của Tổ hợp tác đều được áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây nguyên liệu sạch, sản phẩm tinh dầu 100% nguyên chất từ cây sả chanh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng phân hóa học để bón cho cây.
Từ khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, tinh dầu sả chanh Lộc Việt đã tham gia nhiều chương trình hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại. Mỗi năm Tổ hợp tác sản xuất hơn 700 lít tinh dầu sả, doanh thu hơn 700 triệu đồng/năm.