Phú Thọ: Những “bóng hồng” trên mặt trận kinh tế, giảm nghèo bền vững
Những người phụ nữ với ý chí vươn lên đã phát triển kinh tế thành công, đóng góp không nhỏ vào công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Phú Thọ.
Phú Thọ là tỉnh miền núi trung du với xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, trình độ dân trí không đều, gây không ít khó khăn khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, nhờ triển khai kịp thời chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng, trúng mục tiêu, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền, hiện nay tỉnh đã cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc về trình độ phát triển.
Vùng đất này đang đổi thay, chuyển mình mạnh mẽ. Nơi đây có những người phụ nữ với ý chí vươn lên đã phát triển kinh tế thành công, đóng góp không nhỏ vào công tác giảm nghèo bền vững chung của tỉnh.
Giảm nghèo từ nông sản hữu cơ
Chị Lê Thị Hồng Phương ở xã Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ Anh, Đại học Thủy lợi, cùng với lợi thế tiếng Trung tự học, chị từng làm việc tại nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước về xuất nhập khẩu nông sản.
Quá trình làm việc, nhận thấy sản phẩm chè của Việt Nam được bạn bè quốc tế rất ưa chuộng, chị liên tưởng đến những đồi chè ở quê mình. Từ đây, ý tưởng bỏ lại phố thị, về quê khởi nghiệp đã lóe lên trong đầu chị, mặc dù mọi thứ vẫn còn mơ hồ.
Để chuẩn bị cho kế hoạch lớn trong đời, chị đi khắp các tỉnh thành và các địa phương trong Phú Thọ đang trồng chè nhằm tìm hiểu, nghiên cứu cách làm… Trong đó, chị đặc biệt ấn tượng với cách làm chè hữu cơ – dòng sản phẩm có quy trình chăm sóc, trồng và chế biến chặt chẽ.
“Tôi nghĩ đó chính là xu thế của cuộc sống hiện đại. Chè sạch không chỉ đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu mà còn được người dùng Việt Nam đón nhận vì hiện nay ai cũng quan tâm đến sức khỏe…”, chị Phương tâm sự.
Với những gì học được, chị mạnh dạn vay vốn mua lại những đồi chè của dân. Mỗi giai đoạn mua một ít, đến nay, chị sở hữu diện tích đồi chè khá lớn ở huyện Thanh Ba. Toàn bộ được dùng chế phẩm sinh học hữu cơ để cải tạo đất. Khi đủ điều kiện, chị bắt đầu phát triển những đồi chè sạch, tuân thủ quy trình chăm sóc, sản xuất chặt chẽ từ khâu đầu vào đến đầu ra.
Chị Phương còn dành nhiều năm tìm tòi, chọn lựa và phát triển dòng chè búp tím - một dòng chè cổ có xuất xứ tại trung du Bắc Bộ. Dòng chè này vốn có năng suất thấp, sản lượng chỉ bằng 1/3-1/4 so với các giống chè phổ thông. Tuy nhiên, đây là dòng chè có vị ngon đặc biệt, cực kỳ thơm và đượm vị.
Nhiều hộ dân nghèo trong vùng cũng được chị hỗ trợ tư vấn cách trồng, thu hái chè sạch. Qua đó, đời sống các gia đình này được cải thiện, thu nhập nâng cao và từng bước thoát nghèo.
Sản phẩm chè búp tím của chị Phương được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2023, huyện Thanh Ba đang làm hồ sơ đề xuất xếp hạng sản phẩm này thành sản phẩm OCOP 5 sao.
Việc phát triển chè theo hướng hữu cơ của chị Phương đã tạo được những dấu ấn thành công nhất định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là công tác giảm nghèo bền vững.
Cơ sở sản xuất của chị Phương hiện đã giúp đỡ nhiều người trong diện hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định với mức thu nhập dao động từ 5 – 8 triệu/người/tháng. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội, có chế độ phúc lợi hàng năm.
Cũng phát triển chè theo hướng hữu cơ như chị Phương nhưng bà Phạm Thị Hạnh, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn có xuất phát điểm là hộ nghèo của địa phương.
Năm 2015, chính quyền xã Long Cốc và Dự án “Nâng cao năng lực và tiếp cận cộng đồng” của tổ chức phi chính phủ Quỹ Úc vì nhân dân châu Á - Thái Bình Dương đã hỗ trợ bà thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Long Cốc với 3 thành viên nòng cốt. Tổ hợp tác được dự án hỗ trợ một máy hút chân không để đóng gói sản phẩm, đồng thời cho vay 30 triệu đồng để mua sắm thiết bị chế biến.
Năm 2018, Hợp tác xã Sản xuất chè an toàn Long Cốc được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ tổ hợp tác và kết nạp thêm 10 thành viên, nâng tổng số hội viên lên 13, liên kết với 20 hộ sản xuất chè nguyên liệu.
Hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động, mức thu nhập bình quân mỗi lao động từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tạo thu nhập cho các hộ liên kết (trên 20 hộ người dân tộc Mường) thông qua việc thu mua nguyên liệu (chè búp tươi) với giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giá thị trường vì phải tuân thủ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và thu hái bằng tay. Gián tiếp tạo việc làm và thu nhập cho những người bán hàng, đại lý, quảng cáo, lưu thông, tiếp thị sản phẩm… Bản thân gia đình bà Hạnh vươn lên trở thành hộ khá giả, qua đó đóng góp vào công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương.
Phụ nữ dân tộc thiểu số quyết tâm làm giàu
Xã Xuân Sơn là địa phương nghèo có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, nhờ phát triển du lịch cộng đồng, cuộc sống người dân ở đây dần nâng cao. Chị Quỳnh Nga, người dân tộc Mường là gương mặt tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn.
Từ sự hỗ trợ, tư vấn của địa phương, Hội Phụ nữ huyện, xã và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chị mạnh dạn đầu tư, xây dựng một homestay để phục vụ du khách. Ngoài ăn nghỉ, chị tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, chế biến ẩm thực theo đặc trưng người Mường để mọi người tham gia trải nghiệm.
Homestay của chị là mô hình đầu tiên ở đây hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, nhân viên được đào tạo về pha chế, nấu ăn và lễ tân buồng phòng. Sau khi thành công, cơ sở này đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho một số chị em trong bản. Gia đình chị cũng thoát nghèo, làm ăn khấm khá. Thu nhập trung bình 1 tháng của nhà chị Nga khoảng 15 triệu đồng – 20 triệu đồng.
Kéo theo sự phát triển của du lịch là cơ sở hạ tầng từng bước khang trang, sạch sẽ hơn, đời sống bà con nâng cao. Nhiều gia đình cũng học hỏi, làm theo chị Nga. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm theo từng năm.
Chị Quỳnh Nga khẳng định, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giảm nghèo thông tin có ý nghĩa quan trọng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, đa phần bà con có nhận thức thấp, dân trí chưa cao, nhiều hủ tục, chưa biết canh tác hay làm ăn kinh tế. Từ khi địa phương thúc đẩy các hoạt động tăng giàu thông tin như: Phát các bản tin thời sự, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát tờ rơi, mở các đợt tập huấn về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức pháp luật… chị em phụ nữ trong bản ngày càng văn minh, tiến bộ.
Một tấm gương phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã nâng cao nhận thức, quyết tâm làm giàu là chị Đinh Thị Nhàn, người dân tộc Mường ở xã Xuân Thủy, huyện Tân Sơn với mô hình nuôi cá Koi.
Năm 2018, qua các kênh thông tin tuyên truyền về giảm nghèo, Internet, chị thấy nuôi cá Koi là một giải pháp để cải thiện kinh tế gia đình và thoát nghèo bền vững. Chị nuôi thử nghiệm và thành công. Khi khách hàng tăng lên, chị bắt đầu mở rộng diện tích nuôi cá. Kinh tế gia đình chị ngày càng khấm khá, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm thiết bị hiện đại như điều hòa, tủ lạnh, bếp từ....
Những người phụ nữ kể trên là tấm gương sáng trong làm kinh tế, góp phần vào công cuộc giảm nghèo của tỉnh Phú Thọ. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng các điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo, tạo sức lan toả trong xã hội…
Chính quyền địa phương cùng cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của người nghèo về công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững; cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng, mô hình, kinh nghiệm lao động, sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều. Qua đó phát huy sức mạnh nội lực, sự vào cuộc của xã hội trong huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.