Nông dân Tuyên Quang thoát nghèo nhờ trồng mía
Tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người trồng mía, đưa cây mía trở thành cây trồng chính và đóng vai trò quan trọng trong chương trình giảm nghèo.
Ông Lý Văn Hợp, thôn An Thịnh, xã Tân Thịnh, huyện Chiêm Hóa được xem là người trồng mía nhiều nhất của địa phương.
Ông cho hay, cây mía được người dân ở đây trồng khá lâu nhưng bấy giờ chưa có nhà máy chế biến đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương nên đời sống của người dân trồng mía luôn bấp bênh. Mía đến mùa thu hoạch không có người mua nên bà con chán nản, chuyển sang trồng các loại cây khác nhưng đều thất bại, càng trồng càng nghèo. Làm sao để người dân thoát nghèo và loại cây nào tạo hiệu quả kinh tế cao trở thành câu hỏi không có đáp án.
“Kể từ khi có Nhà máy Mía đường Sơn Dương thì đời sống của bà con thay đổi hẳn, nhiều người đã phất lên nhanh từ cây mía nguyên liệu, có người chỉ sau vài vụ mía đã cất được ngôi nhà mới khang trang", ông Hợp nói.
Ông Hợp chia sẻ, gia đình ông dành hoàn toàn 1,5 ha đất cho việc trồng mía, mỗi năm trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng. Cũng nhờ cây mía mà gia đình ông vươn lên hộ có kinh tế khá.

Huyện Sơn Dương là vùng mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương nhưng đứng đầu về diện tích trông mía ở tỉnh Tuyên Quang lại là huyện Hàm Yên. Trong đó, xã Thái Hòa của huyện Hàm Yên có 11 thôn đều trồng mía, tập trung nhiều nhất ở thôn Ba Luồng 27 ha, thôn Cây Cóc 25 ha, thôn Ninh Tuyên 28 ha.
Để sản xuất mía bền vững, chính quyền xã xây dựng mô hình thâm canh hơn 100 ha. Các gia đình tập trung chăm sóc mía bằng bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, bón phân đúng thời điểm, thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật.
Ông Trương Ngọc Khởi, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết, xã có khoảng 20 hộ gia đình trồng 3 đến 4 ha mía, nhiều hộ dân nhờ trồng mía đã thoát nghèo. Toàn xã có trên 30 hộ thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm từ trồng mía.
Được biết, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người trồng mía, đưa cây mía trở thành cây trồng chính và đóng vai trò quan trọng trong chương trình xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, nâng cao đời sống cho các hộ dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang chú trọng hướng dẫn người dân thực hiện quy trình kỹ thuật trồng mía phù hợp với điều kiện canh tác và sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả theo hướng giảm các loại phân vô cơ, tăng các loại phân hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.
Để duy trì ổn định và mở rộng vùng mía nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đã ban hành các chính sách đầu tư, thu mua, hỗ trợ người trồng mía và phát triển vùng mía nguyên liệu từ nay đến năm 2025.
Theo đó, vụ thu hoạch mía năm 2022 - 2023 (từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) giá thu mua mía nguyên liệu là 1.030.000 đồng/tấn; giá mía giống dao động từ 1.160.000 đồng - 1.350.000 đồng/tấn. Từ niên vụ 2023 - 2025, giá mía nguyên liệu sẽ tăng lên 1.150.000 đồng/tấn; giá mía giống dao động từ 1.280.000 đồng - 1.350.000 đồng/tấn.
Ngoài việc tăng giá thu mua là hỗ trợ vay vốn đầu tư với diện tích mía trồng mới, trồng lại không quá 35 triệu đồng/ha và 20 triệu đồng với mía lưu gốc; hỗ trợ chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm khác sang trồng mía là 3 triệu đồng/ha; chuyển đổi từ đất đang trồng cây lâu năm sang trồng mía là 5 triệu đồng/ha. Đối với ban chỉ đạo trồng mía cấp xã, thôn được hỗ trợ 1.500 đồng/tấn...
Cùng với đó, chú trọng điều chỉnh các chính sách về hỗ trợ giống, phân bón, làm đất. Công ty cam kết thời gian thanh toán không quá 30 ngày kể từ khi giao hết mía và đủ chứng từ hợp lệ.
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, vùng nguyên liệu mía toàn tỉnh ổn định ở mức 2.500 ha, năng suất mía bình quân toàn tỉnh đạt 90 tấn/ha, tổng sản lượng gần 225.000 tấn/năm.
Theo thống kê, niên vụ mía 2022 - 2023, tỉnh Tuyên Quang thực hiện trồng 2.019 ha mía; trong đó, thực hiện trồng mới 120 ha; trồng lại 565 ha; chăm sóc lưu gốc 1.334 ha. Huyện Sơn Dương đứng đầu với 815 ha, Hàm Yên 170 ha, Yên Sơn 110 ha…
Bảo Phùng, Ánh Tuyết, Minh Thúy