Mô hình nuôi cá tầm, cá hồi tại Phong Thổ giúp bà con thoát nghèo
Là huyện vùng cao biên giới, huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều nguồn nước mát lạnh. Đây là tiềm năng để khai thác phát triển, nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá nước lạnh phục vụ nhu cầu thị trường
Nuôi cá nước lạnh đã trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao. Tiên phong trong lĩnh này và nhờ chủ động đổi mới, nhiều hợp tác xã tại Phong Thổ đã có bước đi thành công, tạo ra nguồn kinh tế ổn định, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hợp tác xã Dương Yến (thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ) là một trong những hợp tác xã nuôi cá tầm, cá hồi có quy mô lớn nhất huyện. Tận dụng nguồn nước suối trong mát tại địa phương để dẫn về nuôi cá, các bể cá xây dựng theo hình chữ nhật, có diện tích trung bình 45- 50m2. Mỗi bể có lắp đặt hệ thống ống dẫn nước ra vào thường xuyên. Cá được chăm sóc theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, phát triển tốt. Cá tầm nuôi từ 1,5-2 năm cho trọng lượng 2,2-2,5kg/con. Cá hồi nuôi từ 10-12 tháng cho trọng lượng khoảng 1,2kg/con. Về sản lượng cá của HTX, trung bình mỗi năm đạt tổng 25 tấn, cho doanh thu hàng tỷ đồng.
Quang Thậm, Mạnh Tuấn, Mai Hương và nhóm PV