Mô hình kinh tế tạo động lực thoát nghèo cho phụ nữ Hòa Bình
Phát triển các mô hình giảm nghèo là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo ở Hòa Bình.
Đến với huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, tới thăm những mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ mới thấy hết sự đổi thay của môt vùng đất nghèo.
Tại Tổ hợp tác trồng ớt rừng Phú Lương, chị Bùi Thị Hà, xóm Bàn, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã giới thiệu những trái ớt mà các thành viên trong tổ vừa thu hoạch - những trái ớt giúp phụ nữ Lạc Sơn thoát nghèo.
Trước khi vào tổ hợp tác, gia đình chị Bùi Thị Hà cũng như nhiều chị em khác sống chủ yếu bằng công việc làm nông, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Năm 2018, mô hình trồng ớt rừng được ra mắt. Các chị em trong tổ cùng nhau trồng ớt rừng (loại ớt tuy trái nhỏ xíu nhưng lại có vị thơm, cay nồng rất đặc trưng) theo hướng sinh học để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ớt sau khi thu hoạch được các chị được sơ chế sạch, ngâm muối, chế biến thành ớt muối.
Nếu như trước kia, ớt sau khi thu hoạch thường chỉ được muối và cho vào các chai nhựa, rất dễ bị váng mốc, không bảo quản được lâu thì giờ đây, ớt được cho vào lọ thủy tinh tiệt trùng, có đầy đủ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm đã được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể để được 24 tháng. Ớt rừng Lạc Sơn cũng là sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP.
![](https://static2-images.vnncdn.net/files/publish/2022/12/13/untitled-1713.jpg?width=0&s=T3tANkcvUcW0P9_Iw7AAUA)
Với diện tích trồng ớt mở rộng qua từng năm, sản lượng đạt khoảng 700 kg, mang lại nguồn thu ổn định cho các thành viên. Mỗi thành viên của nhóm có thể thu về khoảng 45 triệu đồng/năm.
Khi nhu cầu cây giống tăng cao, nhiều chị em còn ươm cây giống bán. Chị Ngô Thị Hà ở xã Chí Đạo cho biết, gia đình chị ươm cây dổi giống để bán tới nay là gần 10 năm. Để ươm được cây dổi giống cần phải làm rất nhiều công đoạn, từ hạt tươi phải bóc, ngâm, ươm, làm luống, cho vào bầu, chăm sóc…
Hiện vườn ươm của gia đình chị có gần 20 vạn cây. Mỗi cây giống có chiều dài từ 20-30 cm được bán sỉ ra thị trường với giá 5.000 đồng. Thu nhập 1 năm từ chăn nuôi, bán mầm cây dổi và cây dổi giống khoảng 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, gia đình chị còn được đi học các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp, lớp bán hàng online… Từ đó chị quyết tâm tổ chức sản xuất có tính liên kết theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Với những nỗ lực, cố gắng, hiện các sản phẩm của gia đình chị Ngô Thị Hà được tiêu thụ ổn định, không chỉ tại địa phương mà đã kết nối được đầu mối tiêu thụ ổn đinh tại vùng miền khác. Từ hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chị Hà đã vươn lên, trở thành hộ khá, các con được nuôi dạy, học tập đầy đủ..
Chị Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Lạc Sơn cho biết: "Lạc Sơn là một huyện nghèo của tỉnh Hòa Bình, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đối với các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp cũng đã khảo sát, lên danh sách, lựa chọn các hộ để hỗ trợ họ vươn lên. Hội Liên hiệp phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động rất tích cực và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Theo đó, Hội đã triển khai chương trình giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững, là một trong những mục tiêu của Đảng, Nhà nước nói chung và huyện Lạc Sơn nói riêng.
Chị Ngợi cũng cho hay, hiện nay Hội đang có những chương trình hỗ trợ những hộ phụ nữ nghèo cụ thể, đó là hỗ trợ vốn thông qua Hội Phụ nữ cơ sở. Các hội viên, phụ nữ góp quỹ để tạo nguồn vốn cho chị em vay và không lấy lãi để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động vận động xây dựng mái ấm tình thường dành tặng cho phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nghèo thuộc hộ khó khăn. Năm 2022, hỗ trợ được 18 nhà mái ấm tình thương với số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng, giúp chị em an cư để lạc nghiệp.
Ngoài ra, Hội cũng hỗ trợ giúp vốn, giúp con giống cho chị em. Hiện, Hội đang có mô hình chăn nuôi bò theo chuỗi kết nối thị trường, hỗ trợ cho 16 hộ nghèo, hộ cận nghèo và đã đề nghị UBND huyện và Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho chị em vay vốn để phát triển kinh tế.
Được biết, Kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân của tỉnh là 2,5 – 3%/năm. Cụ thể, sẽ giảm từ 15,49% cuối năm 2021 xuống còn 12,99 - 12,49% cuối năm 2022.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 của tỉnh Hoà Bình gồm 6 dự án thành phần gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.
Bảo Phùng, Ánh Tuyết, Minh Thúy