Lào Cai đầu tư phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân
Để giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Là tỉnh miền núi, biên giới với trên 66% đồng bào dân tộc thiểu số, có 4/9 huyện nghèo. Để giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 7 đài truyền thanh, với 110 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Hệ thống thông tin cơ sở được quan tâm xây dựng, đầu tư từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực "giảm nghèo" về thông tin trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 05 doanh nghiệp (VNPT, Viettel, Mobifone, FPT và Vietnamobile) cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Thời gian qua, các doanh nghiệp đã đầu tư mạng lưới hạ tầng viễn thông, internet rộng khắp với 33 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng có người phục vụ, 2.962 trạm thu phát sóng thông tin di động – BTS, đồng thời các doanh nghiệp đang thực hiện lộ trình tắt dần các công nghệ cũ 2G, 3G đối với một số trạm BTS để nâng cấp công nghệ 4G, 5G).
Theo thống kê, toàn tỉnh có 97,8% trung tâm thôn, tổ dân phố có sóng 3G, 4G và 82,7% thôn, tổ dân phố có cáp quang đến thôn; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt 52%; tỷ lệ dùng chung hạ tầng đạt từ (6-10%)...
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng các chương trình phát thanh phù hợp với đặc điểm của địa phương mình, phát trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở để tuyên truyền đến đông đảo bà con, Nhân dân về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, nhằm nâng cao nhận thức giảm nghèo đối với người nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Bát Xát là huyện nghèo của tỉnh Lào Cai, địa hình chia cắt, nhiều đồi núi, thôn bản nằm cách xa nhau nên gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động thu, phát sóng phát thanh. Nhằm khắc phục tình trạng này, năm 2019, Bát Xát triển khai lắp đặt hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (truyền thanh IP), trên nền tảng Internet để truyền tín hiệu từ trung tâm tới 21 xã, thị trấn và phát lại ở các cụm loa thôn, bản. Sau thời gian triển khai, hệ thống truyền thanh mới đã nhận được sự đánh giá tích cực của người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng cao, vùng xa.
Với mong muốn người dân ở đâu, thông tin đến ở đó, năm 2018, thị xã Sa Pa đã tiên phong triển khai hệ thống truyền thanh thông minh, sử dụng công nghệ IP 4.0 để truyền và nhận thông tin qua mạng Internet nhờ sóng 3G, 4G. Đây là giải pháp chuyển đổi số hiệu quả trong lĩnh vực truyền thanh cơ sở, đặc biệt đối với các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Đến nay, thị xã Sa Pa có 6/16 xã, phường (gồm Fansipan, Sa Pả, Ô Quý Hồ, Trung Chải, Thanh Bình và Mường Hoa), đã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông đối với hệ thống truyền thanh ở thôn bản. Qua triển khai, những tồn tại trong việc đưa thông tin về cơ sở được khắc phục, gia tăng hiệu quả công tác tuyên truyền.
Tính đến tháng 6/2023, tỉnh Lào Cai có gần 97% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, vượt gần 26% mục tiêu năm 2023. Gần 92% gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông, đạt 98,7% mục tiêu năm 2023.
Để góp phần nâng hiệu quả công tác truyền thông và "giảm nghèo" về thông tin, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn phổ biến đến người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin.