Lạng Sơn: Quyết tâm vượt khó, hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững
Thời gian tới, Lạng Sơn sẽ khắc phục những khó khăn, hạn chế để hướng tới hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Lạng Sơn có diện tích tự nhiên 8.310,09 km2, dân số là 802.090 người (số liệu dân số trung bình sơ bộ năm 2022), gồm 07 dân tộc chính (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông), trong đó có 83,91% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở địa bàn nông thôn, miền núi.
Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 01 thành phố loại II; 200 đơn vị hành chính cấp xã, có 1.676 thôn, tổ dân phố. Đây là tỉnh miền núi thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc có đường biên giáp với Trung Quốc.
Những năm qua, thực hiện công tác giảm nghèo, cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến xã tại Lạng Sơn đã ban hành nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo; đồng thời, UBND các cấp xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp; thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo để tập trung chỉ đạo, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các chính sách, dự án chương trình giảm nghèo.
Từ đó giải quyết kịp thời các vấn đề cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, khám, chữa bệnh, học tập, vay vốn, cơ sở hạ tầng…
Việc huy động nguồn lực được tập trung, dù còn khó khăn nhưng tỉnh đã quan tâm dành một phần ngân sách thực hiện các nội dung đối ứng như tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đặc thù. Sử dụng vốn huy động đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống của một bộ phận người dân thuộc hộ nghèo, người dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng an toàn khu, biên giới.
Cụ thể là: Hoàn thiện cơ bản về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã, thôn, đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới; trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt, giảm nghèo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân.
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, năm 2021, toàn tỉnh có 23.511 hộ nghèo, chiếm 12,2%, số hộ cận nghèo là 23.247 hộ, chiếm 12,06%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021 (từ 12,20% xuống còn 8,92%, tương đương giảm 6.013 hộ), đạt 109% kế hoạch.
Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 95,23% trên tổng số hộ nghèo, tăng 0,24% so với năm 2021 (16.664 hộ/17.497 hộ). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 10,42% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số (16.664 hộ/159.826 hộ), giảm 3,15% so với năm 2021.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo song tỷ lệ giảm nghèo của Lạng Sơn chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn.
Một số khó khăn cần được khắc phục như: Việc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng, giải quyết việc làm, nhân rộng mô hình giảm nghèo… còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phát huy hết hiệu quả. Sự phối hợp, huy động và lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn lực chưa nhiều, chưa khai thác được nội lực để thực hiện có hiệu quả chương trình, dự án tại địa phương…
Để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn này, thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về giảm nghèo trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) của các cấp, các ngành trong tỉnh.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo tới nhân dân và các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở. Kịp thời giới thiệu, tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.
Xây dựng, thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo theo hướng bền vững, tăng cường khả năng tiếp cận của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo, trong đó chú trọng các giải pháp khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết nối vùng, tăng cường kết nối vùng đã phát triển với vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ở những địa bàn khó khăn; chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo gắn với quốc phòng – an ninh.
Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Tăng cường chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, nhất là phụ nữ, người khuyết tật nghèo.
Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về quản lý chương trình; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện chương trình. Qua đó, đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện và theo dõi việc thực hiện kiến nghị đã đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý.