Huyện Nậm Pồ phát huy lợi thế về SXNN góp phần giảm nghèo bền vững
Những năm qua Đảng bộ, chính quyền huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp để tập trung xóa đói giảm nghèo, bao gồm việc phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Với trên 95% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) là huyện nghèo gặp nhiều khó khăn . Đồng bào nơi đây còn hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, đặc điểm địa bàn rộng, địa hình giao thông chia cắt phức tạp… là những rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của địa phương.
Những năm qua Đảng bộ, chính quyền huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều giải pháp để tập trung xóa đói giảm nghèo. Từ sự chủ động của chính quyền địa phương cộng với ý thức tự lực vươn lên của mỗi người dân, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã đổi thay và không ngừng phát triển.
Để xóa đói giảm nghèo, ngoài được sự hỗ trợ từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương thông qua các chương trình, dự án thì huyện Nậm Pồ cũng đã tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, sự tham gia xã hội hóa của cộng đồng để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Đến nay, huyện đã có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, hơn 80% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, 94% số bản có đường dân sinh... Những kết quả này đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển.
Triển khai nhiều giải pháp khai thác những tiềm năng, lợi thế hiện có
Với lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Nậm Pồ đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế hiện có. Theo đó, huyện đã tập trung phát triển những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ người dân phát triển cây ăn quả, cây dược liệu theo hướng hàng hóa.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hàng trăm mô hình trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng mận ở xã Vàng Ðán, sa nhân ở xã Nậm Khăn, Nà Bủng; các mô hình trồng cam, bưởi, ổi, sơn tra và một số loại cây ăn quả khác ở Nà Hỳ, Si Pa Phìn, Phìn Hồ, Chà Cang, Chà Nưa...
Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương, tiêu biểu như: Mô hình trồng cam của Ông Sùng Quán Tùng, ở bản Tàng Do, xã Nậm Tin với gần 10ha, bước đầu cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ cam; các mô hình trồng cây xả lấy dược liệu tinh ở các xã Vàng Đán, Nậm Tin, Nà Hỳ… cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Gia đình chị Giàng Thị Giáo, bản Nậm Tin 4 (xã Nậm Tin) là tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thoát nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn. Nhờ được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăm nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân huyện mở, kết hợp tham quan các mô hình trồng cây ăn quả ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh; năm 2016, chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cộng với vay mượn 100 triệu đồng đầu tư trồng 1.000 cây cam sành.
Từ năm 2018 đến nay, vườn cam cho thu hoạch; trung bình mỗi năm thu 15 - 20 triệu đồng. Ngoài trồng cam, gia đình còn kết hợp chăn nuôi 10 trâu, bò, trên 200 con gà tạo thêm thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khấm khá hơn. Đến nay, chị đã trả hết nợ ngân hàng, xây nhà mới, mua sắm được đồ dùng phục vụ sinh hoạt...
Ngoài ra, có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, huyện Nậm Pồ đã quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Nếu như năm 2015, đàn gia súc của huyện Nậm Pồ có 53 nghìn con thì nay đã tăng lên trên 70 nghìn con, gia cầm gần 170 nghìn con.
Nhiều hộ gia đình phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm có thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Hồ Chử Vàng, bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ.
Trước đây gia đình ông Hồ Chử Vàng chăn nuôi trâu, bò theo hướng truyền thống chỉ nuôi từ 3 - 5 con, do chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn gia súc tăng trưởng chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi được chính quyền địa phương tư vấn, tuyên truyền thực hiện mô hình gia trại chăn nuôi nên gia đình ông quyết định đầu tư vốn, xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, ngựa thương phẩm.
Nhờ được tập huấn về kỹ thuật, kết hợp học hỏi kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi trước và áp dụng vào thực tế mà đàn gia súc phát triển tốt. Mỗi năm gia đình ông xuất bán từ 6 - 10 con trâu, bò; sau khi trừ chi phí ông Vàng thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm từ chăn nuôi. Hiện nay đàn gia súc của gia đình ông phát triển quy mô trên 100 con bò.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nậm Pồ đã và đang tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con về các giống cây trồng vật nuôi mới nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho bà con. Tới đây, Trung tâm sẽ tập trung cho việc thực hiện nghị quyết phát triển chăn nuôi trâu, bò. Đồng thời triển khai 10 mô hình, trong đó có 4 mô hình chăn nuôi bò sinh sản, 4 mô hình chăn nuôi trâu bò thịt; phát triển nguồn thức ăn sẵn sàng cho mùa khô.
Văn Bắc, Thu Hà, Minh Thúy