Làm nông kiểu mới nơi rẻo cao, HTX giúp dân bản thoát nghèo
Không chỉ trồng cây thu trái, nơi rẻo cao tại huyện Thuận Châu, có những HTX mạnh dạn chuyển sang mô hình nông nghiệp theo hướng đa giá trị. Nhờ đó, họ bội thu tiền tỷ, giúp nhiều người nông dân ở bản làng vùng cao thoát nghèo.
Làm nông kết hợp du lịch
Thuận Châu đến nay vẫn là một trong 2 huyện nghèo của tỉnh miền núi Sơn La. Ở nơi đồi núi cao và suối sâu xen lẫn thung lũng,… anh Bùi Ngọc Thắng - Giám đốc HTX Du lịch Pha Đin (Phổng Lái, Thuận Châu) tạo ra mô hình du lịch nông nghiệp.
Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 Nguyễn Ngọc Thắng tâm sự, ngày nhỏ đã theo bố mẹ lên nương trồng ngô, sắn, sau chuyển sang trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, việc canh tác nông nghiệp theo thời vụ, nhỏ lẻ, không có tính liên kết nên tiền lời chẳng được bao nhiêu. Không chỉ riêng gia đình anh mà bà con ở bản Kiến Xương đều như vậy.
Không muốn chịu mãi cảnh cái nghèo, cái đói đeo bám, anh cùng một số hộ gia đình trồng cây ăn quả trong vùng thành lập HTX du lịch Pha Đin.
HTX thành lập không chỉ giúp các thành viên phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất sạch, liên kết tiêu thụ nông sản mà còn là nơi thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.
Bởi anh nghĩ, làm nông nghiệp manh mún, chất lượng nông sản sẽ không đồng đều dẫn đến khó tiêu thụ dù giá bán rẻ. Trong khi xu hướng tiêu dùng hiện nay không chỉ cần ăn no mà còn phải ăn chất lượng, có cảm xúc. Liên kết lại với nhau sẽ sản xuất được trên quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Song, với lợi thế điều kiện tự nhiên nơi bản làng vùng cao có đèo Pha Đin, anh Thắng quyết định làm nông nghiệp kết hợp du lịch thay cho mô hình sản xuất đơn thuần thu trái bán.
Hiện, HTX Du lịch Pha Đin có 7 thành viên sản xuất trên diện tích 25 ha cây ăn quả gồm hồng, bưởi, mận, đào, ổi... Trong quá trình chăm sóc cây trồng, các hộ thành viên chỉ sử dụng các nguyên liệu như cá, đậu tương, bột vi sinh để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Nhờ sản xuất theo hướng an toàn, đến nay sản phẩm của HTX được xuất bán đến các siêu thị, các cửa hàng nông sản sạch trên khắp cả nước. Trừ tất cả chi phí, mỗi năm các thành viên HTX thu lời từ 150 -200 triệu động/năm.
Song song với cây ăn quả, HTX xây dựng khu du lịch "Pha Đin top" với diện tích rộng hơn 30 ha. Trong đó có vườn hoa, khu tâm linh... Riêng khu rừng sinh thái là diện tích trồng mận, đào, sơn tra… để du khách nghỉ dưỡng, đồng thời trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hái quả và thưởng thức ngay tại vườn giống như người nông dân.
Hơn 5 hoạt động, đến nay "Pha Đin top" thành điểm dừng chân quen thuộc của du khách. Dịp 2/9 năm nay, HTX đón trên 10.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, anh Thắng chia sẻ.
Cùng chung ý tưởng, nơi bản làng vùng cao Phổng Lái, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận cũng trở thành điển hình làm nông nghiệp đa giá trị khi kết hợp sản xuất chè và du lịch trải nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Bình - Phó Giám đốc HTX, cho biết, trước năm 2013 vùng chè Phổng Lái được đánh giá cao về chất lượng nhưng không ra khỏi được bản làng, từng rơi vào khủng hoảng. Giá thấp, nhiều hộ nghĩ đến việc phá bỏ loại cây trồng này.
Năm 2013, bà cùng các hộ dân ở vùng chè quyết tâm xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái. Từ đó, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận ra đời.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, chúng tôi phải thay đổi tư duy sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hiện đang hướng tới sản xuất theo quy trình hữu cơ.
Dây chuyền sản xuất của HTX hiện đang có công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày. Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 500 tấn chè khô. Chè của HTX đạt sản phẩm OCOP 4 sao, không chỉ cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu sang Đài Loan, Thái Lan.
Từ năm 2022, HTX phát triển thêm các hoạt động du lịch nông nghiệp như trải nghiệm rừng cây, đồi chè, vườn hoa, check in chụp ảnh… HTX đã đón hàng ngàn khách du lịch, có nguồn thêm thu nhập ổn định.
Đa giá trị có thể làm giàu
Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, HTX Bình Thuận hiện có 9 thành viên đang liên kết với gần 400 hộ dân trồng và chăm sóc chè, sử dụng 35 lao động thường xuyên địa phương với mức lương từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của HTX đạt gần 20 tỷ đồng/năm.
Chị Sồng Thị Vỹ ở bản Cổng Chập (Phổng Lái) khoe, gia đình chị trồng 2.000 m2 chè, mỗi năm thu 3 tấn chè búp tươi, bán với giá 8.000 đồng/kg. Chè búp tươi được HTX bao tiêu toàn bộ giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, chị dự định sẽ mở rộng diện tích trồng chè thay cây ngô, cây sắn trên đất nương của gia đình.
Nói về cây chè, ông Nguyễn Văn Báu - Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái, cho biết, chè trở thành cây trồng chủ lực của xã. Nhờ liên kết sản xuất nên chè búp được thu mua với giá ổn định. Trên đất Phổng Lái, chè đang thành cây trồng giúp các hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
Tham gia làm nông nghiệp kết hợp du lịch tại HTX du lịch Pha Đin, ông Bùi Xuân Xã chia sẻ, vào làm thành viên HTX, kinh tế gia đình ông khá hơn hẳn so với trước kia.
Toàn bộ sản phẩm nông nghiệp mình làm ra đều được HTX hỗ trợ bao tiêu. Vườn cây ăn quả của mình sạch, an toàn nên thu hút một lượng khách đến thăm vườn, trải nghiệm và mua nông sản từ đó nâng cao thu nhập, ông cho hay.
Anh Bùi Ngọc Thắng tiết lộ, chỉ tiếng riêng lợi nhuận từ cây ăn quả, HTX đã thu về 3,8 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn nguồn thu lớn từ hoạt động đón khách du lịch.
Trước đó, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần nói về câu chuyện làm thương hiệu cho nông sản. Bởi, nếu có thương hiệu, giá trị sản phẩm nông sản có thể tăng gấp 10-20 lần. Muốn làm được vậy cần liên kết sản xuất thông qua HTX để có chỉ dẫn địa lý, truy gốc nguồn gốc,... từ đó mới xây dựng được thương hiệu bài bản và có giá trị lâu dài.
Bộ trưởng cũng gợi ý về mô hình làm nông nghiệp đa giá trị để nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo đó, thay vì quá đặt nặng các kết quả mang tính sản xuất như sản lượng, quy mô, hay trông chờ vào các giải pháp mang tính kỹ thuật, công nghệ,… có thể cân nhắc thêm cách tiếp cận phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên dịch vụ, dựa trên trải nghiệm.
Bộ trưởng cho rằng, phát triển nông nghiệp theo hướng “kinh tế trải nghiệm” - tập trung vào yếu tố “trải nghiệm” và “con người”, là một gợi mở đáng tham khảo, khi có thể tối ưu hoá những nguồn lực sẵn có, cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, của người tiêu dùng, qua từng sản phẩm OCOP, qua từng hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển theo hướng này, giá trị từ nông nghiệp có thể tăng theo chiều thẳng đứng, giúp người nông dân làm giàu trên quê hương.
Tâm An