Không để việc “nghèo thông tin” cản trở mục tiêu giảm nghèo bền vững
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 xác định rằng việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Thiếu hụt thông tin là một trong những chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều. Bởi vậy, trong giai đoạn mới hiện nay, giảm nghèo về thông tin là một trong 2 tiểu dự án góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo…
Thực tế những năm qua cho thấy, kết quả giảm nghèo ở nước ta chưa thực sự bền vững, các hộ thoát nghèo luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo. Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên vẫn là những khu vực khó khăn.
Nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, hỗ trợ thị trường cần phù hợp hơn với đặc điểm vùng, miền nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa bàn khó khăn.
Để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, chúng ta cần có cách tiếp cận mới về giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số hiện mới chỉ dừng ở chính sách tín dụng, các mô hình sản xuất (vốn đối ứng), hoặc cam kết thoát nghèo, chưa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bên liên quan để có thêm nhiều chính sách đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; chưa khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người dân.
Cần tích cực thúc đẩy việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với vùng phát triển.
Một điều đặc biệt có ý nghĩa là “giảm nghèo thông tin” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi bà con có nguy cơ ngày càng tụt hậu so với sự phát triển chung của cả nước.
Mới có hơn 61% số hộ ở đây sử dụng internet, khoảng 93% số hộ sử dụng điện thoại (cố định và di dộng); số hộ có máy thu hình là khoảng 82%, số hộ sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) chỉ đạt 10,3%.
Việc “nghèo thông tin” đã cản trở việc giảm nghèo bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số, làm chậm sự phát triển của khu vực miền núi.
Bởi vậy, trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” (thuộc Dự án 6) xác định việc tăng cường tiếp cận thông tin thiết yếu cho cộng đồng dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Tiểu dự án đặt mục tiêu đảm bảo 100% xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điểm cung cấp thông tin công cộng phục vụ người dân sử dụng dịch vụ thông tin thiết yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực này.
Ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong giai đoạn tới là thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo, từng bước hòa nhịp chuyển đổi số quốc gia.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội mới đây, ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh công tác dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được thực hiện thông qua các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, hệ thống chính sách liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng trong thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện sinh kế, thu nhập của người dân.
Bộ trưởng cho biết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được thiết kế với 10 dự án thành phần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và triển khai trên địa bàn 51 tỉnh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên cơ sở tích hợp một số chính sách giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn trước đây còn hiệu lực, cùng một số chính sách mới phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Chương trình nhằm tích hợp các chính sách thống nhất, đảm bảo đủ nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các vùng khó khăn nhất trong các nhóm dân tộc có điều kiện đặc thù và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển bền vững và phát huy nội lực, lợi thế, tiềm năng của từng vùng và tinh thần tự lực tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số.