Kết quả tích cực trong phát triển kinh tế và giảm nghèo ở Bình Sơn
Xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập.
Xã Bình Sơn từng là địa phương đặc biệt khó khăn của huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50% với hơn 1,7 nghìn hộ với 8 dân tộc sống rải rác ở 12 thôn. Trong đó, 7 thôn đặc biệt khó khăn là: Bãi Đá, Xóm Làng, Bình Giang, Hòa Bình, Đồng Đỉnh, Tân Mộc, Nghè Mản.
Những năm gần đây, xã Bình Sơn đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân vay vốn tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt cao.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng được chú trọng. Xã thúc đẩy hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và giải quyết việc làm.
Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó tập trung hỗ trợ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề, ưu tiên đối tượng là người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc và miền núi, khó khăn, lao động nông thôn bị thu hồi đất nông nghiệp.
Từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Bình Sơn có hơn 700 lượt lao động được tạo việc làm mới, đạt 90% so với kế hoạch đề ra đến năm 2025.
Ba chỉ tiêu gồm: Lao động qua đào tạo, tỷ lệ hộ nghèo và xây dựng gia đình văn hóa đã vượt kế hoạch. Xã hiện còn 152 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,85%.
Hằng năm, ngoài kinh phí từ Đề án Hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh và huyện phân bổ, xã phát huy hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội dành cho các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu và vùng xa của Chính phủ, Chương trình hỗ trợ xi măng thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn của tỉnh với tổng số vốn hàng chục tỷ đồng.
Hiện, các trục đường thôn, xã được mở rộng, trải nhựa hoặc bê tông kiên cố. Khu vực chợ Đồng Đỉnh trở thành chợ đầu mối thu mua nông sản và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu của nhân dân trong xã và các xã lân cận. Toàn xã có 2 hợp tác xã, 9 doanh nghiệp và 142 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Bình Sơn tập trung đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên. Trong quá trình triển khai, xã phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội giúp hội viên, đoàn viên thoát nghèo bền vững.
Điển hình là Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai các chương trình ưu đãi tín dụng. Từ các chương trình vay vốn ưu đãi, hiện nay hội quản lý 16 tổ vay vốn giúp 658 hộ với tổng dư nợ hơn 47 tỷ đồng.
Đối tượng được hỗ trợ là hội viên nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh. Hội tích cực hướng dẫn hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả bằng các mô hình kinh tế phù hợp.
Gia đình chị Tống Thị Sơn ở thôn Nghè Mản từng là hộ nghèo nhất thôn. Mặc dù gia đình chị có đất rừng nhưng do chưa biết cách khai thác khiến cái nghèo đeo bám quanh năm. Qua lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng, cùng sự bảo lãnh của Hội Phụ nữ xã, chị bàn với chồng mua cây keo lai, bạch đàn cao sản về phủ kín 10ha đất rừng.
Với nguồn nguyên liệu sẵn có, vợ chồng chị mạnh dạn mở xưởng chế biến bóc gỗ. Thương lái và doanh nghiệp đến đặt hàng trực tiếp nên gia đình chị luôn đảm bảo được đầu ra. Xưởng gỗ của chị còn giải quyết việc làm cho 8 nhân công với mức lương dao động từ 6 – 8 triệu đồng/tháng.
Tại thôn Thần Đồng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Huệ cũng là trường hợp thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay ưu đãi. Năm 2020, chị Huệ được vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở cửa hàng tạp hóa. Gia đình chị bắt đầu có thu nhập ổn định, có điều kiện tốt hơn nuôi các con ăn học.
Bên cạnh đó, người dân các thôn từng bước chuyển đổi diện tích cấy lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi và mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu là mô hình nuôi ong lấy mật tại thôn Thần Đồng của gia đình ông Khuyên. Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp cùng địa phương, hỗ trợ gia đình 10 đàn ong nội. Sau thời gian nuôi và gây đàn, đến nay gia đình ông Khuyên có tổng 40 đàn, mỗi năm bán ra thị trường trên 300 lít mật, với giá bán ổn định 150.000 đồng/lít đem lại thu nhập khoảng 40 - 50 triệu đồng.
Thông qua các mô hình kinh tế, người chăn nuôi đã thay đổi cách nghĩ trong sản xuất, nâng cao sự đầu tư khoa học kỹ thuật trong sản phẩm, thu hút vốn, nhân công nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho người lao động ở địa phương. Tạo sinh kế và tận dụng lao động, giải quyết vấn đề dư thừa lao động trong nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giải quyết những vấn đề bất cập trong môi trường hiện nay.
Ngoài ra, xã còn có mô hình trồng nho không hạt tại thôn Bình Yên; thanh long ruột đỏ tại thôn Thần Đồng, Bãi Cả, Hòa Bình, Đồng Đỉnh. Năm nay, toàn xã có 75 ha trồng thanh long, trong đó khoảng 25 ha sản xuất theo quy trình VietGAP, tăng so với đầu nhiệm kỳ. Thời tiết thuận lợi kết hợp với kỹ thuật chăm sóc, cây trồng này cho năng suất ước đạt 4-5 tạ/sào, được thương nhân đến tận vườn thu mua, mang lại nguồn thu tốt cho người nông dân.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được cấp ủy, chính quyền và người dân chú trọng, có bước tiến đáng kể. 12/12 thôn có nhà văn hóa; 3 trong 4 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Tháng 3 vừa qua, xã Bình Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là thành quả của việc thường xuyên quán triệt, triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; thường xuyên đổi mới nội dung, linh hoạt trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả các phong trào thi đua, khơi gợi sức mạnh nội lực trong nhân dân.
Kết quả này cũng là điều kiện thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền xã Bình Sơn phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2 - 3%.