Hòa Bình: Đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn, ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo
Công tác đào tạo nghề chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Năm 2022, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường và cơ sở khác, các đơn vị của sở, ban, ngành của tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn, ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số với 342 lớp, 9.710 người, tổng kinh phí gần 26,8 tỷ đồng.
Trong đó, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mở 176 lớp, 5.216 người, kinh phí trên 14,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong khuôn khổ tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4 phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2022, toàn tỉnh được phân bổ trên 7,5 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Với nguồn kinh phí này, tỉnh mở được 77 lớp với 2.336 người. Vốn ngân sách huyện mở 83 lớp với 2.011 người, kinh phí trên 5,6 tỷ đồng; vốn huy động khác mở 6 lớp với 147 người, kinh phí 160 triệu đồng.
Hiện nay, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã tiến hành mở lớp đào tạo nghề. Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Hòa Bình đồng loạt triển khai 13 lớp. TP Hoà Bình, huyện Kim Bôi huy động tốt các doanh nghiệp, HTX tham gia đào tạo nghề. Riêng huyện Lạc Sơn, để các lớp đào tạo nghề triển khai đúng tiến độ thời gian, chất lượng đào tạo, trường Trung cấp Cộng đồng Hà Nội phối hợp, hỗ trợ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện về trang thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo, chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia quản lý lớp học đào tạo nghề hướng dẫn du lịch và nghề kỹ thuật nấu ăn.
Công tác đào tạo nghề chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo, khoảng 80% học viên tự tạo được việc làm sau học nghề. Giai đoạn cuối năm, tỉnh gấp rút đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án, tiểu dự án về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Kim Duyên, Phùng Thủy, Lê Hạnh