Huyện Hoài Đức: Dấu ấn tích cực trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội
Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Hoài Đức trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
UBND huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, huyện Hoài Đức đã tập trung nguồn lực tín dụng ưu đãi qua NHCSXH cho vay 62.058 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.311 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 879 tỷ đồng.
Tổng dư nợ 10 chương trình tín dụng chính sách (TDCS) đến 31/5/2022 đạt 459,4 tỷ đồng, tăng 440,5 tỷ đồng, gấp 26 lần so với dư nợ khi thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm với 10.260 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Dư nợ bình quân là 44,8 triệu đồng/khách hàng, tăng 40,3 triệu đồng/khách hàng so với khi thành lập (năm 2002).
Trong đó, dư nợ bình quân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 43,1 triệu đồng/hộ, tăng 38,6 triệu đồng/hộ so với khi thành lập.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng/người năm 2002 lên 77 triệu đồng/người năm 2022 (tăng hơn 6 lần so với năm 2002), giảm không còn hộ nghèo trên địa bàn huyện trong 3 năm gần đây, giảm tỉ lệ hộ cận nghèo cuối năm 2021 xuống còn 1,54%. Đời sống của nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo ngày càng được cải thiện.
Trong thời gian qua, nguồn vốn TDCS đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn ưu đãi một cách thuận lợi, kịp thời.
Đặc biệt, vốn ưu đãi đã giúp cho 20.820 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn, trong đó, có 5.192 hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho trên 20.000 lao động.
Vốn vay tín dụng cũng giúp cho trên 5.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây mới và cải tạo 17.400 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; trợ giúp xây dựng, sửa chữa 123 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Vốn TDCS còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Qua đó, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường nhấn mạnh: Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội luôn là vấn đề được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hoài Đức quan tâm đặc biệt, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng năm. UBND huyện đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng để thực hiện các nội dung này, trong đó, tổ chức triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 78/NĐ-CP về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, các đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương, Quyết định số 401/QĐ-TTg, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện.
“Cấp ủy, chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và xác định rõ vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững, không để người nghèo, đối tượng chính sách bị bỏ lại phía sau. Cùng với đó, quan tâm gắn triển khai tín dụng chính sách với các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương trong từng giai đoạn…” - ông Nguyễn Hoàng Trường đề nghị.
Theo ông Nguyễn Tất Vinh - Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội, Ủy viên Ban đại diện NHCSXH TP Hà Nội, những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Hoài Đức trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và đặc thù riêng có của NHCSXH.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, ông Nguyễn Tất Vinh cho rằng hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng phải được quan tâm hơn nữa để triển khai phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng ngày các tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ và TP Hà Nội trong từng thời kỳ.
Để làm tốt nội dung này, ông Nguyễn Tất Vinh đề nghị Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Hoài Đức tiếp tục quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm giao dịch tại xã, thị trấn; chất lượng hoạt động ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng thời, tập trung đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ quá hạn trên địa bàn gắn với triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế nợ quá hạn mới phát sinh, đảm bảo an toàn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Hồ Nhụy, Hồng Kiên, Mỹ Hòa