Đào tạo nghề nâng cao hiệu quả mô hình nông nghiệp trong giảm nghèo
Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện Hòa An (Cao Bằng) thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp sát với tình hình thực tế và nhu cầu của từng xã.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác giảm nghèo luôn được huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng quan tâm. Trong đó chú trọng các nghề nông nghiệp giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại...
Huyện tăng cường triển khai các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân địa phương, đặc biệt là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo giúp người dân tìm được ngành nghề phù hợp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cử cán bộ phối hợp với các địa phương tập trung thông tin, tuyên truyền, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề tại địa phương. Từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo sát với tình hình thực tế và nhu cầu đào tạo nghề của từng xã trên địa bàn huyện, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không có định hướng. Huy động sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền về công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao nhận thức của người lao động về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp với dạy nghề nông thôn.
Năm 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hòa An phối hợp tổ chức 18 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 455 học viên là lao động nông thôn. Trong đó, tổ chức 4 lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho 104 học viên, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 6 lớp đào tạo nhân giống cây ăn quả cho 150 học viên, 1 lớp đào tạo nghề trồng ngô năng suất cao cho 25 học viên. Ngoài ra, phối hợp tổ chức 1 lớp sửa chữa điện dân dụng cho 131 học viên, 2 lớp đào tạo máy công nghiệp cho 45 học viên.
Chương trình đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của người lao động trong ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng, chuyển đổi nghề nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết thúc các khóa học, 100% học viên nắm chắc kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào thực tế sản suất của gia đình, giúp nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình phù hợp với điều kiện địa phương để giúp học viên tìm kiếm nghề và việc làm phù hợp, ổn định sau đào tạo, góp phần quan trọng vào mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực của huyện cũng như nâng cao hiệu quả các mô hình nông nghiệp trong giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.