Chỉ khi dân tự lực vươn lên thì người nghèo mới thoát nghèo bền vững
Nhờ được tiếp cận thông tin chính sách và thông tin thị trường song song cùng các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ nghèo ở Hướng Hóa được tiếp cận nguồn vốn để làm kinh tế, từng bước cải thiện cuộc sống.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các vị đại biểu tham dự đã đánh giá rất cao thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, đặc biệt là thành tích về đích trước thời hạn việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về loại trừ tình trạng đói nghèo.
Bên cạnh hệ thống chính sách tốt, tinh thần tự lực, tự cường đã góp phần thúc đẩy từng hộ nghèo, từng xã nghèo, từng huyện nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, Việt Nam đã về đích trước thời hạn trong việc thực hiện 1 trong 8 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc là xóa đói nghèo.
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra tại hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 cho thấy, 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm hơn 6%/năm, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011; riêng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần.

Đánh giá về những bài học kinh nghiệm được rút ra sau một thời gian dài nỗ lực xóa đói nghèo, một bài học mà lãnh đạo nhiều địa phương cùng đúc rút ra là phải khuyến khích các hộ nghèo và những bản, làng, xã, huyện nghèo tự lực sản xuất, kinh doanh với sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Nhà nước, xã hội để thoát nghèo bền vững. Đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong việc thoát nghèo.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai nêu bài học thành công của tỉnh trong giảm nghèo là hạn chế tối đa cho không người nghèo, nếu cho không thì phải có những điều kiện ràng buộc để tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại. Tỉnh đã áp dụng chính sách thưởng thoát nghèo cho những hộ gia đình, thôn, bản thoát nghèo, nhân rộng mô hình thoát nghèo hay để tạo khí thế chung cho toàn tỉnh.
Đại diện tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh đã áp dụng cơ chế thưởng mỗi hộ thoát nghèo 5 triệu đồng để động viên, khuyến khích tinh thần chủ động, tự giác vượt khó vươn lên thoát nghèo. Sau khi ban hành chính sách này, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký tham gia và đã thoát nghèo bền vững, vượt qua khỏi cận nghèo.
Từ thực tế các mô hình đã thành công, để công tác giảm nghèo bền vững thời gian tới đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc tiếp tục lồng ghép các nguồn lực để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, Việt Nam không ngừng thúc đẩy cơ hội tiếp cận thông tin cho người nghèo. Công tác tuyên truyền để giúp người nghèo, nhất là người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo là rất quan trọng. Bên cạnh đó, biểu dương, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả trên địa bàn để khích lệ người khác quyết tâm, vươn lên làm giàu. Điều này sẽ góp phần giúp họ chuyển đổi nhận thức, vươn lên, chủ động thoát nghèo.
Thực tế thời gian qua cho thấy, chỉ khi nào bản thân người nghèo nhận thức được rằng phải tự mình nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì việc thoát nghèo mới thực chất, mới bền vững.
Như Quỳnh, Anh Dũng