Cao Lộc: Giảm nghèo bền vững, xây dựng biên cương giàu mạnh
Các cấp ủy chính quyền, ban ngành tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn luôn coi công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn có hơn 74 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc, là vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Người dân ở đây đa phần là dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ.
Các cấp ủy, chính quyền, ban ngành tại địa phương luôn coi công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó giúp ổn định đời sống cho nhân dân, góp phần bảo vệ biên cương ngày càng vững mạnh.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên, UBND huyện Cao Lộc đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia huyện Cao Lộc giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng 2030 và kế hoạch cụ thể từng năm.
Để triển khai công tác giảm nghèo bền vững, chính quyền và các ngành đã lồng ghép việc tuyên truyền phổ biến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cho lãnh đạo UBND, cán bộ, công chức các xã, thị trấn và các trưởng thôn bản, khu, khối phố.
Năm 2022, huyện đã in ấn sản phẩm truyền thông để tuyên truyền gồm 36.000 tờ rơi về công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; 25.500 tờ rơi về công tác giảm nghèo cho 22 xã, thị trấn.

Bên cạnh đó, địa phương cũng thực hiện các tiêu chí nghèo đa chiều, chủ động rà soát, hỗ trợ người dân về nhà ở, nước sinh hoạt. Triển khai các dự án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Đặc biệt, huyện chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bền vững.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể, hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.
Tại huyện Cao Lộc, đã có rất nhiều mô hình đào tạo nghề nông thôn gắn với giải quyết việc làm, vừa giải quyết được việc làm tại chỗ, vừa góp phần làm chuyển dịch lao động nông thôn hay chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Phần lớn các nghề nông nghiệp đã dựa vào thế mạnh về sản xuất của địa phương gắn với các sản phẩm đặc thù để phát triển ngành nghề.
Việc triển khai các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được các cấp, chính quyền huyện Cao Lộc quan tâm triển khai, thông tin rộng rãi đến người lao động. Công tác tuyên truyền, tư vấn nghề và việc làm đối với lao động nông thôn dần đi vào chiều sâu, phù hợp với điều kiện thực tế cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Qua công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có nhiều chuyển biến, tạo sự phối hợp và trách nhiệm rõ ràng hơn trong việc triển khai, tổ chức thực hiện. Người lao động nông thôn đã nhận thức được ý nghĩa thiết thực của công tác đào tạo nghề, lựa chọn ngành nghề để đăng ký học nghề phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau những lớp đào tạo nghề, bà con đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; biết áp dụng cách đưa sản phẩm ra thị trường, sản phẩm tiêu thụ nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững, một số hộ còn vươn lên thành hộ khá và giàu.
Đến hết năm 2022, toàn huyện còn hơn 1.640 hộ nghèo; 2.023 hộ cận nghèo. 100% người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế. 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được hỗ trợ về giáo dục. Triển khai 4 mô hình giảm nghèo tại 2 xã Thạch Đạn, Lộc Yên cho 60 hộ nghèo, hộ cận nghèo….
22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Lộc đã có đường ô tô đến trung tâm, đi lại thuận tiện. Các thôn bản có đường bê tông đến trung tâm thôn. 98% hộ dân được sử dụng điện. 97% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. 98% chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý…
Trong năm nay, huyện Cao Lộc là địa phương có số học viên tham gia học nghề đông nhất với hơn 2.200 học viên, triển khai được 64 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Toàn huyện đã triển khai gần 70 buổi ra quân vệ sinh, quét dọn, thu gom, xử lý rác phát sinh xung quanh các nhà văn hóa thôn, trụ sở xã, các tuyến đường trục chính, đường liên thôn, góp phần triển khai hiệu quả tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Huyện đã rà soát xoá nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ xây 10 nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí 400.000.000 đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo của huyện và của tỉnh để giúp các hộ gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn.
Năm 2023, huyện Cao Lộc đã xây dựng được mô hình bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng Phàn Slình (Nùng Cúm Cọt) xã Hải Yến… Trong đó, các nghệ nhân sẽ tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn, góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của bản làng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, huyện Cao Lộc còn gặp nhiều khó khăn như: Một số hướng dẫn triển khai của cấp trên chưa kịp thời, thời gian thực hiện tại cơ sở tương đối ngắn dẫn đến ảnh hưởng tiến độ, chất lượng các chương trình.
Mặt khác, các tiêu chí được xây dựng để thực hiện giám sát, đánh giá hộ nghèo chưa cụ thể. Vẫn còn một bộ phận người dân mang nặng tư tưởng ỷ lại, muốn vào hộ nghèo để được thụ hưởng các chính sách, không muốn vươn lên để thoát nghèo.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm, đảm bảo 100% hộ gia đình người nghèo được hưởng thụ đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước với hộ nghèo, xã nghèo về vay vốn tín dụng, giáo dục, y tế, khuyến nông, khuyến lâm… huyện Cao Lộc sẽ tăng cường công việc khắc phục những khó khăn, tồn tại; đồng thời tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên giảm nghèo nhanh và bền vững.