Cao Bằng đẩy mạnh nông nghiệp thông minh để phát triển bền vững
Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII của tỉnh Cao Bằng xác định: “Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”.
Để bắt nhịp thị trường, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân, đưa các địa phương trong tỉnh thoát nghèo bền vững, năm 2019, Cao Bằng ban hành Đề án “Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030” trong đó xác định rõ lĩnh vực nông nghiệp thông minh công nghệ cao đang là xu thế và coi đây là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Năm ngoái (2021), tỉnh thành lập Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của đề án nông nghiệp thông minh của tỉnh Cao Bằng là hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao.
Do đó, Cao Bằng ưu tiên ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Để giúp người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cao Bằng đã đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân. Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm các huyện, thành phố chỉ đạo các khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở bám sát đồng ruộng hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho nông dân; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.
Hàng năm, tỉnh triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại các xã để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn kết hợp các hình thức thông tin tuyên truyền, in ấn xuất bản các tài liệu khoa học kỹ thuật, lịch khoa học; tập trung tuyên truyền, giúp người dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất phù hợp xu thế công nghệ mới.
Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa với 6 mô hình liên kết cấp tỉnh, 57 mô hình liên kết cấp huyện; thực hiện rà soát các diện tích đất quy hoạch phát triển nông nghiệp và dự kiến các vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Nhờ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng, mở ra triển vọng mới về một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh, quy mô lớn.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu tỉnh ban hành Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó, tỉnh xác định mục tiêu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp để ổn định sản xuất, vùng phát triển sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng vùng nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh.
Về trồng trọt, tỉnh tiếp tục ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp hằng năm, duy trì và sử dụng hiệu quả 30.000 ha đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, quy hoạch các vùng trọng điểm trồng lúa chất lượng cao (Japonica), lúa đặc sản (Pì Pất, nếp Hương, nếp Ong).
Các địa phương tiếp tục phát triển các loại cây công nghiệp như thuốc lá, sắn, lạc, mía… trên cơ sở sử dụng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.
Đặc biệt, tỉnh chủ trương triển khai các cây trồng ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ cao với diện tích trên 1.990 ha, với những loại cây chủ lực như gừng, nghệ, chanh leo, lê, cam, quýt, dẻ… Chú trọng vào khâu chọn giống, kỹ thuật sản xuất, công nghệ bảo quản, chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap, hữu cơ…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh tập trung phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm đa dạng hóa vật nuôi, triển khai các giải pháp chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại.
Hình thành các khu, dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là các dự án Trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa; chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng. Tiếp tục thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư các dự án chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Văn Giáp, Diệu Bình, Mạnh Hùng và nhóm PV