Cao Bằng chăm lo toàn diện, giúp cải thiện chất lượng sống của hộ nghèo
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2023, toàn tỉnh Cao Bằng còn 37.409 hộ nghèo, chiếm 28,94% và 19.084 hộ cận nghèo, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh; đặc biệt còn trên 11.000 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo đang sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát và nhiều trường học bán trú chưa được xây dựng… Trong những năm qua, cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc tập trung nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh được cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chú trọng, quan tâm.
Qua từng năm, nhờ đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, mỗi năm toàn tỉnh có trên 5.000 hộ thoát nghèo, mức giảm bình quân đạt 4,10%/năm. Đời sống kinh tế và tinh thần dần có nhiều cải thiện.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, để tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm, đa dạng các mô hình sinh kế, sở đã tích cực triển khai tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 11.000 người lao động tham gia đăng ký học nghề, tăng thêm 1.300 người lao động đăng ký học nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng, điện dân dụng…
Bên cạnh đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được tiếp cận vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để có vốn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Đến nay, tổng nguồn vốn chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt trên 3.850 tỷ đồng.
Sáu tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tham mưu chuyển nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang đơn vị để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt trên 161 tỷ đồng; tăng trưởng đạt trên 100 tỷ đồng; doanh số cho vay đạt gần 777 tỷ đồng với 12.533 lượt khách hàng vay vốn.
Bên cạnh đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được đảm bảo đời sống từ các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, 328.243 thẻ bảo hiểm y tế đã được cấp cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; 10.616 thẻ được cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội.
Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện được giao 202 tỷ 779 triệu đồng, dự kiến thực hiện 30 dự án hạ tầng cơ sở thiết yếu, gồm: 12 công trình giao thông, 7 công trình giáo dục đạt chuẩn quốc gia, 6 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, 4 công trình nước sinh hoạt tập trung, 1 công trình điện lưới quốc gia phục vụ dân sinh.
Không chỉ kinh tế có bước tiến, đời sống tinh thần của người dân cũng được cải thiện rõ rệt.
Xe đọc sách miễn phí dành cho trẻ em được đặt gọn gàng trên phố Kim Đồng (TP Cao Bằng) vào tối cuối tuần. Rất nhiều em nhỏ hào hứng tìm đến đây ngồi hì hụi trong không gian sách vở. Trong năm 2023, về vấn đề giáo dục, tỉnh đã hỗ trợ cho trên 43.000 học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo miễn giảm học phí và các khoản đóng góp; 83.262 học sinh được hỗ trợ chi phí học tập.
Các nguồn vốn đầu tư và chính sách tín dụng ưu đãi góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện.
Khi thu nhập được cải thiện, người dân có nhiều điều kiện tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, giúp nâng cao chất lượng sống.
Lê Thảo