Bắc Kạn: Những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của người dân, công tác giảm nghèo của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sáng 23/8, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2015 và đánh giá kết quả hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh. 

Những thành quả

Trong thời gian qua, với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người nghèo, sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh, công tác giảm nghèo của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều năm 2022 giảm 2,66%, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ giải ngân đạt 41% kế hoạch. Các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục - đào tạo, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin cơ bản năm sau đều giảm so với năm trước.

Từ nửa đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Các sở, ngành đã nỗ lực trong việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách tổ chức thực hiện Chương trình; các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Từ nửa đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; chính sách hỗ trợ về y tế; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ tiền điện…

Các chính sách được triển khai đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 21.500 lao động; đào tạo nghề cho hơn 14.600 người; hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 124.507 lượt học sinh nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền ăn cho 34.200 lượt học sinh; hỗ trợ tiền điện cho trên 110.000 lượt hộ; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 430.000 đối tượng chính sách xã hội... 

Toàn tỉnh hiện có 106/108 xã (98,1%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 98,22% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.145 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn với số tiền gần 128 tỷ đồng...

Nhận thức của người dân từng bước được nâng cao nhờ các hoạt động tập huấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Đặc biệt là các sự kiện liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhận được sự hưởng ứng, tham gia của đông đảo nhân dân. 

Bên cạnh mở các lớp tại địa phương, tỉnh chủ trương lồng ghép đưa nội dung này vào các trường học, trường phổ thông dân tộc nội trú… Trong chương trình, các học sinh và tập thể giáo viên được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về Luật Hôn nhân và gia đình, kiến thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua các tiểu phẩm, video clip tuyên truyền.

Ngoài ra, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo đa chiều, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh chủ động đổi mới nội dung, liên kết với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng thay đổi tư duy, xóa nghèo từ tư tưởng để hội viên phụ nữ tự lực vươn lên thoát nghèo; tập trung triển khai Cuộc vận động Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, chú trọng tiêu chí “Không đói nghèo” với nhiều cách làm sáng tạo.

Với đặc thù là tỉnh miền núi, Bắc Kạn có trên 88% đồng bào dân tộc thiểu số, có 2/8 huyện nghèo, 67/108 xã đặc biệt khó khăn. Giảm nghèo về thông tin được xem là giải pháp hiệu quả hỗ trợ công tác giảm nghèo bền vững. Khi người dân nắm bắt thông tin đầy đủ, dân trí được nâng cao thì hướng thoát nghèo sẽ rộng mở.

Để giảm nghèo về thông tin, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số. Tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thông tin cơ sở với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, hình thành cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin nguồn phổ biến đến người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin.

UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Dự án Hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở, triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh từ nguồn ngân sách địa phương. Dự án đầu tư mới 44 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; nâng cấp, chuyển đổi 49 đài truyền thanh hữu tuyến/đài truyền thanh FM là các đài đang còn hoạt động thường xuyên sang phương thức đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với tổng số 687 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. 8/8 trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông huyện, thành phố được trang bị 1 bộ thiết bị tích hợp tự động để số hóa tín hiệu, cung cấp cho hệ thống phát thanh cấp huyện. Xây dựng Hệ thống thông tin nguồn của tỉnh để quản lý tập trung và cung cấp thông tin cho đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh.

Hạ tầng kỹ thuật viễn thông ngày càng được đầu tư hoàn thiện, các dịch vụ viễn thông và Internet đảm bảo chất lượng ổn định. Hệ thống đài truyền thanh được đầu tư, nâng cấp góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, nhất là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng đặc biệt khó khăn. Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh chiếm 73%; 96% thôn bản được phủ sóng băng di động; 76,6% hộ gia đình có cáp quang.

Các giải pháp đột phá

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình giảm nghèo, nhất là các giải pháp về thực hiện nguồn vốn sự nghiệp đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giải pháp vận động xã hội hóa, cách thức sử dụng hiệu quả nguồn vốn của các đơn vị tài trợ…

Chủ trì Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng đề nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào “Bắc Kạn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thường xuyên cập nhật, phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay về công tác giảm nghèo bền vững để tuyên truyền trong nhân dân. 

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, định hướng phương pháp, cách làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không né tránh, tạo động lực, nguồn cảm hứng trong tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Chương trình.

Các sở, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án của Chương trình; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên. Quan tâm định hướng thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các mô hình, dự án liên kết theo tiềm năng, lợi thế, phù hợp với quy hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, giúp hộ nghèo cải thiện sinh kế, ổn định cuộc sống. 

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, kết nối đồng bộ giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện tốt công tác tư vấn giới thiệu việc làm, chương trình hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm.

Các đơn vị, địa phương cần tận dụng tối đa nguồn lực của Chương trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn của Chương trình theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, phấn đấu giải ngân đạt kết quả cao nhất năm 2023 và đến cuối năm 2025.

Đối với Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các địa phương thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của đối tượng và nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình, góp phần nâng cao tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn trong thời gian tới.

Quỳnh Nga

Tạo thêm việc làm từ nghề nuôi ong lấy mật dưới tán rừng

Từ lâu, nuôi ong dưới tán rừng sú vẹt tại Vườn quốc gia Xuân Thủy cho hiệu quả cao, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu từ nghề này cũng như tạo ra thu nhập đáng kể cho người dân địa phương nhờ nghề quay mật.

Xã Trực Tuấn hướng dẫn người dân tiếp cận thông tin, chính sách qua Internet

Trong những năm qua, xã Trực Tuấn phát huy những kết quả đạt được trong công tác truyền thông và giảm nghèo về thông tin, đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.

Sản phẩm OCOP 4 sao tương Sa Nam tiếp sức giảm nghèo bền vững

Nam Đàn đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giáp pháp để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo thoát nghèo bền vững, không để tái nghèo.

Lào Cai chăm sóc, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em nghèo

Cải thiện dinh dưỡng là một hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh Lào Cai chú trọng thực hiện.

Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh tích cực giúp đồng bào Chứt vươn lên

Thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, những năm qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều hoạt động cụ thể nhằm giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biêt dành nhiều sự quan tâm cho đồng bào dân tộc thiểu số Chứt.

Môi trường sống ở NTM Giao Thủy ngày càng “xanh - sạch”

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các xã, thị trấn của huyện Giao Thủy đều khai thác được những lợi thế riêng để phát triển kinh tế - xã hội, đưa Giao Thủy đứng trong các huyện top đầu của tỉnh về xây dựng NTM.

Nam Định ứng dụng camera thông minh thúc đẩy tiêu chí an ninh trong xây dựng NTM

Thời gian qua, Nam Định đã đẩy mạnh ứng dụng toàn diện công nghệ số, đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao đời sống của người dân.

Bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt

Là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất Việt Nam, trong những năm qua, đồng bào dân tộc Chứt đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, thúc đẩy phát triển đời sống của chính quyền địa phương.

Nam Định: Tăng cường truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh.

Yên Bái: Ưu tiên đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tại vùng khó khăn

Thông qua các chương trình và lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh Yên Bái đã và đang tích cực đưa nước sạch tới người dân.