Bắc Kạn: Nâng cao nhận thức, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh Bắc Kạn xác định là giải pháp căn cơ trong thực hiện giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức cho lao động đồng bào dân tộc thiếu số được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện hiệu quả. Đây là một trong những giải pháp bền vững trong công tác giảm nghèo của tỉnh.
Được tuyên truyền, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, mở rộng sản xuất, việc làm… trình độ nhận thức của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một nâng lên.
Tạo sinh kế tại chỗ
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Có thể kể đến mô hình đào tạo nghề vỗ béo trâu, bò cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao huyện Pác Nặm. Nhờ được đào tạo kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đại gia súc, người dân đã thay đổi tập quán chăn thả sang nuôi nhốt, trồng cỏ vỗ béo.
Tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, người dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò. Giá mua đầu vào khoảng 10 - 15 triệu đồng/con trâu bò, sau khi nuôi vỗ béo khoảng 5 - 7 tháng có thể bán được từ 20 - 25 triệu đồng/con. Trong một năm, hộ có kinh nghiệm và chịu khó có thể nuôi được 3 lứa vỗ béo, số lượng phụ thuộc vào thức ăn, cỏ của người nuôi. Quan trọng là người dân không phải đi xa bán vì chợ trâu, bò Nghiên Loan là một trong những chợ đầu mối đại gia súc lớn nhất phía Bắc.
Điểm đặc biệt của mô hình đào tạo nghề ở Bắc Kạn là thay vì đào tạo theo những gì sẵn có, tỉnh đã chuyển hướng sang đào tạo theo địa chỉ và những gì người dân cần. Nhờ đó, người dân được học nghề gắn với thế mạnh, khả năng của gia đình, địa phương, giúp phát triển các mô hình kinh tế. Đồng thời gắn đào tạo nghề với Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã, từ đó giúp người nông dân có công ăn, việc làm ổn định.
Tại huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, nhiều hợp tác xã trên địa bàn xã Quảng Chu được thành lập đã và đang tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.
Dù mới đi vào hoạt động từ năm 2019 nhưng Hợp tác xã An Hòa Phát tại thôn Đèo Vai 2, xã Quảng Chu được đánh giá là một trong những hợp tác xã hoạt động có hiệu quả. Ngành nghề kinh doanh chính của hợp tác xã là chế biến gỗ và đã tạo việc làm thường xuyên cho 15 – 20 lao động tại địa phương.
Từ khi hợp tác xã thành lập, anh Ngô Văn Phòng cùng một số bà con trong thôn Đèo Vai 2 đã được nhận vào làm việc. Mọi người rất vui và phấn khởi vì có thu nhập ổn định, bình quân từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu lớn giúp gia đình anh có tiền trang trải trong cuộc sống.
Theo lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới, thời gian qua, các đơn vị dạy nghề của huyện, trong đó có các hợp tác xã, đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, giảm thời gian học lý thuyết và tăng thời lượng thực hành.
Hiệu quả của công tác dạy nghề theo nhu cầu thị trường, đặc biệt là sự kết nối đào tạo nghề giữa địa phương, hợp tác xã và doanh nghiệp đang góp phần giúp huyện Chợ Mới nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm, thu nhập ổn định, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện nay, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nói chung và cho thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng luôn được quan tâm.
Từ năm 2018 – 2019, Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra chỉ tiêu hết sức cụ thể: Đến năm 2025, có khoảng 80% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp. Hiện có gần 10 triệu người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, đây là chỉ tiêu rất lớn.
Thực hiện nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, với nguồn kinh phí tương đối lớn.
Trong Chương trình có Dự án Hỗ trợ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó, hai chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng đều có dự án cho đào tạo nghề.
"Đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp căn cơ, mang tính bền vững trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương mở những nút thắt lâu nay trong việc thực hiện mục tiêu ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.
Người dân và đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và cách làm trong các lĩnh vực được đào tạo nghề. Phần lớn lao động qua học nghề đã mạnh dạn phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo; nhiều lao động dân tộc thiểu số đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các lĩnh vực của đời sống", ông Đào Trọng Độ khẳng định.
Tăng giàu thông tin, đa dạng hóa hình thức việc làm
Theo Kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2023 của tỉnh Bắc Kạn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện, triển khai khoảng 105 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (thực hiện theo hình thức chuỗi liên kết 02 dự án; hình thức cộng đồng đề xuất 103 dự án). Kế hoạch vốn thực hiện là 36.987 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương 35.910 triệu đồng; ngân sách địa phương 1.077 triệu đồng.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng các chuẩn, phát triển chương trình, học liệu. Truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm cho người lao động. Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã. Khảo sát, thống kê nhu cầu học nghề; đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Kế hoạch vốn thực hiện là 45.429 triệu đồng.
Triển khai các hoạt động (bao gồm công tác tư vấn, giới thiệu cho người lao động và thân nhân người lao động) hỗ trợ khoảng 300 người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Xây dựng dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng cơ sở dữ liệu. Qua đó, cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu việc tìm người - người tìm việc. Hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho người lao động, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bưu điện tỉnh và các sở, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hỗ trợ thực hiện việc duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng để phục vụ nhân dân tại ít nhất 20 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư thiết lập mới 03 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông; mở rộng, thay thế bằng các cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông tại ít nhất 23 xã. Nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở.
Hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội (sản xuất mới các sản phẩm truyền thông khác) để đăng tải, phát sóng trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Hỗ trợ kinh phí sản xuất mới các tác phẩm báo chí; lựa chọn tác phẩm báo chí có nội dung thiết yếu, có giá trị phổ biến lâu dài để chuyển sang định dạng số và phát hành trên không gian mạng.
Thời gian tới, để góp phần thích cực tăng giàu thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Bắc Kạn sẽ dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo. Xây dựng phóng sự tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu đăng ký thoát nghèo, giới thiệu cách làm sáng tạo, kinh nghiệm hay, mô hình, dự án thành công về giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chú trọng tuyên truyền cho người dân sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn về công tác giảm nghèo.
Quỳnh Nga