Bắc Kạn: Đẩy mạnh hoạt động định hướng, tư vấn nghề nghiệp
Các ngành, các địa phương trong tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm và đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
Để hỗ trợ người dân thoát nghèo, tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, cùng với việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án khác.
Thực hiện các nội dung của Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động.
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP Bắc Kạn cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, từ đầu năm 2023 đến nay, căn cứ nhu cầu của người dân, đã tổ chức 02 lớp đào tạo nghề về trồng và chăm sóc rừng tại phường Xuất Hóa và xã Nông Thượng, mỗi lớp có 35 học viên. Từ kiến thức được truyền đạt giúp học viên có thêm kiến thức, kỹ năng và nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong thực tế, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tương tự như TP Bắc Kạn, các địa phương, đơn vị trên địa bàn đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nội dung thuộc Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu hoàn thành kế hoạch ở mức cao nhất.
Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, các địa phương, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chức hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin thị trường lao động; tổ chức phiên giao dịch việc làm, Ngày hội việc làm... để định hướng nghề nghiệp, giúp người lao động có thêm cơ hội tiếp cận công việc phù hợp, có thu nhập ổn định.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, các cấp, ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc về chủ trương, chính sách về công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chú trọng nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Làm tốt công tác dự báo nhu cầu, xây dựng và cập nhật dữ liệu về thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề, đồng thời gắn kết việc đào tạo nghề với nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường lao động nhằm đáp ứng cơ bản và ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động...