Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vùng đồng bào DTTS và MN ở Bắc Giang
Bắc Giang chú trọng nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH cho vùng đồng bào DTTS&MN.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP, với việc triển khai hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bắc Giang đã chuyển biến rõ rệt. Thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trong tình hình mới, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Bắc Giang quyết tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có gần 260.000 người DTTS (chiếm 14,26% dân số), trong đó có 6 DTTS dân số đông, sống thành cộng đồng, gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Sán Chay, Hoa và Dao.
Những năm qua, cùng với các nguồn vốn hỗ trợ, tỉnh dành nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi. Diện mạo khu vực này có những thay đổi tích cực, tăng trưởng và phát triển mạnh, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế huyện Sơn Động tăng bình quân 13%/năm, huyện Lục Nam hơn 10%, huyện Lục Ngạn hơn 8,5%. Thu nhập bình quân của hộ DTTS đạt khoảng 65 triệu đồng/hộ/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,2%/năm, riêng tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 7,63%/năm (giai đoạn 2015 - 2020). Đến nay có 36/73 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Có được kết quả này, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, đồng bào các DTTS phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực.
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG), tỉnh triển khai 10 dự án thành phần về hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu; đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa mù chữ, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, bảo tồn bản sắc văn hoá các DTTS… với hơn 100 cơ quan, đơn vị làm chủ đầu tư.
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, từ các nguồn vốn, tỉnh dành gần 2,5 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện 10 dự án của Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó ngân sách trung ương hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 241 tỷ đồng, còn lại là vốn chính sách, ngân sách huyện, xã, nguồn vốn khác. Đến nay tỉnh đã hoàn thiện dự thảo; bố trí kinh phí xây dựng phần mềm quản lý Chương trình, tạo thuận lợi cho các đơn vị chủ trì, chủ đầu tư và cán bộ, công chức trong việc theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện các dự án.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, Bắc Giang đã có nhiều chính sách riêng, quan tâm hỗ trợ các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Trong đó tập trung xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư xây dựng công trình tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn; đầu tư cải tạo nâng cấp đường đến trung tâm xã; cải tạo nâng cấp chợ; đầu tư xây dựng các trường PTDT nội trú, PTDT bán trú; tu bổ di tích quốc gia đặc biệt, cải tạo nâng cấp trạm y tế xã.
Cùng với nguồn hỗ trợ, tỉnh đã xây dựng chính sách riêng đầu tư cho vùng DTTS như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng 65 công trình ngầm dân sinh, 8 công trình cầu dân sinh vùng đồng bào DTTS với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng (nguồn vốn được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025); hỗ trợ kinh phí thêm 30% mức lương cơ sở/học sinh ở bán trú/tháng; thêm 20% mức lương cơ sở/học sinh ở nội trú/tháng). Đặc biệt, trong giai đoạn này, Bắc Giang có chủ trương xây dựng trung tâm y tế các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế (địa bàn có đông đồng bào DTTS), mỗi trung tâm 150 tỷ đồng.
Hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin
Không dừng lại ở đó, UBND tỉnh Bắc Giang còn chú trọng triển khai Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KT-XH cho vùng đồng bào DTTS&MN. Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong triển khai Chương trình.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý, tổ chức Chương trình từ trung ương đến địa phương. Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình. Đổi mới phương pháp, chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình. Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp.
Kế hoạch đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ tỉnh đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá; 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống; 100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai. Thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân.
Phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh...); 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng CNTT trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số. Phấn đấu các cơ quan công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ tỉnh đến địa phương được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành Phòng họp trực tuyến; có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số; 100% các hệ thống thông tin thuộc Đề án được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng.
Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển KT-XH vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án. Phấn đấu từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các DTTS được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án.
Đối tượng thụ hưởng là cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình các cấp: người dân, cộng đồng dân cư trên địa bàn triển khai Chương trình, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đối tượng thực hiện gồm hệ thống các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý, chỉ đạo, thực hiện Chương trình từ tỉnh đến huyện, xã; các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện các nội dung, hoạt động của Chương trình.
Hồ Nhi