Ấn tượng mô hình nuôi cá tầm của người Nùng tại biên giới Cao Bằng
Gia đình chị Đàm Thị Thảo là người dân tộc Nùng tại xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Những năm trước đây, gia đình quanh năm trồng ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Từ khi mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá tầm, tận dụng nguồn nước dồi dào từ con suối gần nhà, gia đình không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn có kinh tế dư dả để xây dựng nhà, đầu tư kinh doanh, giúp đỡ bà con địa phương.
Năm 2010, bố chồng chị Thảo được tham gia trông coi mô hình nuôi thử nghiệm cá tầm ở địa phương. Sau vài năm trông coi, tìm hiểu kỹ về mô hình từ nhập giống, quy trình chăm sóc, làm bể, cho ăn, phòng bệnh, năm 2017 gia đình mạnh dạn đầu tư 200 triệu xây dựng bể, lắp hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước, mua 500 cá giống, thức ăn.
Thời gian đầu, do còn yếu về kỹ thuật, cách phòng ngừa, điều trị các loại bệnh trên cá tầm nên cá chậm phát triển, thường xuyên bị các loại bệnh gây thiệt hại lớn. Không nản chí, gia đình tiếp tục tìm hiểu về kỹ thuật, tìm về các địa chỉ cung cấp cá giống uy tín ở Lào Cai, Yên Bái để nhập về các giống cá tốt, đảm bảo chất lượng.
Đến nay, gia đình chị Thảo đã nâng diện tích nuôi cá tầm lên 800m2 với 10 bể cá, nuôi 4000 - 5000 con mỗi năm, cho sản lượng khoảng 5-7 tấn. Gía cá tầm thương phẩm hiện nay dao động từ 230.000 - 280.000 đồng/kg, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình.
Theo chị Thảo, nuôi cá tầm quan trọng nhất là phải đảm bảo cung cấp nguồn nước lạnh sạch, không ô nhiễm, nhiệt độ dưới 22 độ C. Nước được dẫn liên tục từ suối vào bể rồi thoát ra ngoài để đảm bảo cá đủ oxy cho sinh trưởng và phát triển. Vợ chồng chị Thảo phải thường xuyên vệ sinh bể cá, theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn cá ở từng bể nuôi. Khi phát hiện con cá nào còi cọc, chậm lớn hay có biểu hiện không bình thường là phải lọc ra, cho sang bể khác và có chế độ chăm sóc riêng.
Văn Giáp, Diệu Bình, Mạnh Hùng và nhóm PV