Vươn lên từ cây cói, bèo bồng
Năm 2004, bà Ngắn quyết định thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Tây An sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Gần 20 năm lăn lộn với nghề cói, bà đã đem lại “sức sống mới” cho làng nghề truyền thống quê hương.
Với niềm đam mê nghề làm cói, bà Phạm Thị Ngắn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An (huyện Tiền Hải, Thái Bình) đã làm sống lại một làng nghề truyền thống và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động nông nhàn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nghị lực phi thường
Ðể gây dựng và phát triển doanh nghiệp như ngày hôm nay, bà Ngắn đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, có lúc tưởng chừng không trụ nổi. Những năm 1971, khi đất nước vẫn còn chiến tranh, chỉ ít hôm sau đám cưới, chồng bà phải quay lại chiến trường miền Nam. Chỉ 3 năm sau, chồng bà trở về với đầy thương tích trên người và họ sinh đứa con đầu lòng cũng đúng vào dịp nước lụt trắng đồng, mùa màng thất bát, cuộc sống của gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng bấn.
Quần quật kiếm kế sinh nhai, hai vợ chồng bà cũng dựng được một căn nhà nhỏ nhưng trận bão năm 1986 đã làm căn nhà đổ sập, đẩy họ cùng 4 người con vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Không gục ngã, bà trỗi dậy với quyết tâm mới. Tiền Hải vốn là quê hương của những cánh đồng cói bạt ngàn và nghề đan cói nên bà Ngắn luôn đau đáu việc gìn giữ nghề truyền thống. Khi cuộc sống gia đình bớt khó khăn hơn thì chồng bà tái phát vết thương và ra đi mãi mãi. Nén đau thương vào lòng, bà dồn sức lo cho mẹ già và bốn con nhỏ cũng như phát triển cơ sở đan cói…
Năm 1996, trên chiếc xe đạp cũ kĩ, bà lóc cóc một mình đến các chợ đầu mối trong tỉnh, rồi ngược lên các trung tâm thương mại ở Hà Nội để tìm hiểu thị trường đầu ra, sưu tầm những mẫu sản phẩm mà khách hàng đang ưa chuộng. Về nhà, bà sáng tạo ra nhiều mẫu mã mới, cách tân kiểu dáng, thêm họa tiết hoa văn vào các sản phẩm cói. Ngoài ra, bà Ngắn đã thổi hồn để những bẹ ngô, bèo bồng biến thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn… Những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà đã đưa đến đơn đặt hàng đầu tiên với số lượng hơn 20.000 sản phẩm. Thành công này thôi thúc bà mở rộng các mặt hàng cói của mình ra thị trường nhiều nước như Thụy Điển, Na Uy, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Australia, Trung Quốc…
Đổi đời cho lao động nữ nông thôn
Năm 2004, bà Ngắn quyết định thành lập Doanh nghiệp Tư nhân Tây An sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Gần 20 năm lăn lộn với nghề cói, bà đã đem lại “sức sống mới” cho làng nghề truyền thống quê hương. Hiện Doanh nghiệp Tư nhân Tây An đã chuyển thành Công ty TNHH Sản xuất và xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tây An, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập bình quân 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Doanh nghiệp của bà cũng góp phần tiêu thụ sản lượng cói lớn trong vùng và các phế thải nông nghiệp cho bà con nông dân như bẹ ngô, bèo bồng, dây giấy, mây tre… Khi việc kinh doanh ngày càng tiến triển tốt, bà Ngắn lại trăn trở tới việc tạo nguồn thu cho nhiều chị em phụ nữ khác. Bà đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh Thái Bình mở các lớp dạy nghề móc hộp, đan mũ cói và nghề mây tre đan… cho hội viên ở các xã. Hiện công ty Tây An có mạng lưới 100 tổ sản xuất rải khắp các huyện, thành phố Thái Bình với hơn 6.000 lao động, đa số là nữ. Lớp dạy nghề của bà còn mở rộng sang cả các tỉnh lân cận như Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên... Hàng trăm lao động khuyết tật đã học nghề để kiếm sống và tự tin hòa nhập cộng đồng.
Gần 20 năm hoạt động, đến nay doanh nghiệp của bà đã được mở rộng với diện tích 4.500m vuông. Các sản phẩm của doanh nghiệp được nhiều người đón nhận và đã xuất khẩu nhiều ra nước ngoài. Năm 2018, doanh thu công ty đạt 60 tỷ đồng, ngân sách nhà nước 2,5 tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 (2019-2020), công ty gặp không ít khó khăn, hàng hóa ùn ứ không xuất đi được. Bà Ngắn tiếp tục cải tiến cho ra thêm nhiều mẫu mã mới, vì thế khách hàng trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đón nhận.
Văn Quý, Thu Hằng, Hà Sơn