Ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững
Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình thực hiện.
Giảm nghèo bền vững là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao là điểm sáng về thực hiện mục tiêu giảm nghèo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao. Một số chính sách giảm nghèo còn manh mún, dàn trải; nguồn lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế…
Để đảm bảo tính bền vững của các kết quả đã đạt được và giải quyết những thách thức trong tương lai, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch về giảm nghèo, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Mục đích chương trình nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể; tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.
Báo điện tử VietNamNet tổ chức Tọa đàm “Giảm nghèo bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau” với sự tham gia của các vị khách mời:
Ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Ông Ngô Trường Thi, nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Ông Trần Văn Sinh, Chuyên viên cao cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Đào, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
Để tiện theo dõi, mời quý vị và các bạn xem video:
PHẦN I
Để chính sách phát huy hiệu quả trong thực tiễn
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Trần Văn Sinh, xin ông cho biết một số thành tựu nổi bật trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thời gian gần đây?
Ông Trần Văn Sinh: Với vai trò, vị trí của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia thực hiện giảm nghèo bền vững có hai chức năng, nhiệm vụ chính.
Thứ nhất: Động viên nhân dân, tổ chức thành phong trào giảm nghèo bền vững, mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong giai đoạn mới, Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu Quốc giả giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, chúng tôi tham gia tổ chức thành phong trào.
Đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương đến cấp xã, ban công tác mặt trận, trọng tâm là vận động nguồn lực thông qua ủng hộ Quỹ Vì người nghèo để góp một phần cùng với Nhà nước giúp cho người nghèo bớt nghèo.
Thứ hai: Mặt trận ở đây mang nghĩa rộng, bao gồm Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Trước hết là các tổ chức chính trị xã hội như chúng tôi hay gọi là: “Công, Nông, Thanh, Phụ, Cựu”, có 5 tổ chức chính trị xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) cùng Mặt trận thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội.
Nhà báo Diệu Bình: Được biết, việc hoạch định các chính sách về giảm nghèo trong giai đoạn vừa qua đã có những thay đổi rất căn bản. Cụ thể là như thế nào, thưa ông Phạm Hồng Đào?
Ông Phạm Hồng Đào: Chính sách giảm nghèo được áp dụng tại Việt Nam từ rất lâu. Trải qua quá trình, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, tuy vẫn còn một số hạn chế.
Để đạt được hiệu quả đó, vai trò của việc hoạch định chính sách rất quan trọng, cách nhìn nhận chính sách thế nào… đấy là điều xuyên suốt, phải phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.
Trước tiên, sự thay đổi cơ bản trong hoạch định chính sách là đưa ra chuẩn nghèo. Trước đây áp dụng chuẩn nghèo đơn chiều, giờ chuyển sang chuẩn nghèo đa chiều. Chuẩn này là cơ sở hoạch định chính sách tiếp theo, triển khai các chương trình, các đề án giảm nghèo nói chung.
Thứ hai là phải biết được căn bản, nguyên nhân trực tiếp, sâu xa dẫn đến cái nghèo và đã có các biện pháp đầu tư phù hợp. Cụ thể:
Tập trung đầu tư, nâng cao năng lực của người nghèo, gắn các chương trình giảm nghèo.
Thay đổi cách thức tiếp cận đối với người nghèo. Trước đây, chúng ta đầu tư trực tiếp cho các hộ nghèo, bây giờ chuyển sang đầu tư theo các chương trình dự án phù hợp nhu cầu của người nghèo và điều kiện thực tế điạ phương. Từ đó phát huy năng lực của người nghèo.
Thay đổi cách đầu tư, có trọng tâm, có trọng điểm, đặc biệt là đầu tư vào các huyện nghèo, các xã nghèo đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các gia đình nghèo, gia đình có công, trẻ em, phụ nữ.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Trần Văn Sinh, xin ông chia sẻ về việc phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong công tác giảm nghèo?
Ông Trần Văn Sinh: Ở điểm này, tôi xin nói sâu về trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc động viên, vận động nguồn lực hỗ trợ người nghèo.
Trước hết, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Trong đó là vận động nguồn lực.
Việc vận động nguồn lực được thực hiện từ những năm 2000 và đến nay đã 22 năm. Hàng năm được đẩy mạnh vào Tháng cao điểm vì người nghèo, bắt đầu từ 17/10 – 18/11. Cùng với đó, việc dành nguồn lực cho người nghèo là thường xuyên, liên tục. Năm nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng phát động và truyền hình trực tiếp Chương trình khởi động Tháng cao điểm vì người nghèo.
Thời gian trước, chúng ta có từ “Ngày vì người nghèo” song nhiều người cho rằng: “Tại sao chỉ dành cho người nghèo có 1 ngày?”. Ý tưởng ban đầu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như Chính phủ là hàng ngày đều quan tâm đến người nghèo chứ không phải chỉ một ngày. Tuy nhiên để tránh việc hiểu nhầm, chúng ta đã thay đổi, không phải “Ngày vì người nghèo” mà chuyển thành phong trào “”Vì người nghèo”.
Thứ hai, ngoài việc động viên, chia sẻ của toàn xã hội để vận động nguồn lực giúp người nghèo, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên, trước hết là tổ chức chính trị xã hội phải động viên các đoàn viên, hội viên và toàn thể nhân dân bằng khả năng thực tế của mỗi người nghèo tìm cách tự vươn lên thoát nghèo hoặc giảm nghèo với sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng và xã hội. Người quá khó khăn thì bớt khó khăn. Những người đang nghèo làm sao thoát khỏi nghèo.
Nhà báo Diệu Bình: Công tác triển khai chính sách từ Trung ương tới địa phương về giảm nghèo đã được thực hiện ra sao, thưa ông Phạm Hồng Đào?
Ông Phạm Hồng Đào: Như chúng ta đã biết, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội phê duyệt. Căn cứ phê duyệt của Quốc hội, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo được Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành địa phương ban hành các văn bản, các cơ chế cần thiết để triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Về ban hành văn bản, Chính phủ đã ban hành 10 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 quyết định, bộ trưởng các bộ ban hành 8 thông tư… Như vậy, hệ thống văn bản để triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo đã được ban hành đầy đủ, đã có cơ sở pháp lý để thực hiện.
Về phân bổ nguồn lực, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết phân bổ nguồn vốn thực hiện chương trình, phê duyệt nguồn vốn cho gia đoạn 2021 – 2025 kể cả vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp.
Căn cứ phê duyệt vốn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao vốn cho các bộ, ngành triển khai thực hiện chương trình này. Các địa phương căn cứ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về phân bổ đối tượng, phạm vi để hướng dẫn triển khai các nguồn vốn thực hiện cho phù hợp với địa phương mình.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai và hướng dẫn thực hiện; đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Ngoài ra, để có cơ chế triển khai chương trình này, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo là một trong ba chương trình.
Đảm bảo sự liên thông giữa các chương trình và hoạt động hiệu quả hơn, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia thường xuyên họp định kỳ bằng hình thức trực tuyến, chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã có 3 buổi họp trực tiếp. Sau này sẽ họp thường xuyên, định kỳ nhằm chỉ đạo sát sao nhất để chương trình thực hiện hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ kiện toàn các ban chỉ đạo để chỉ đạo việc triển khai thực hiện tại địa phương mình.
Như vậy, chương trình này đã được đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ chính sách cho đến quy chế và nguồn lực thực hiện.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Trần Văn Sinh, quá trình thực hiện phong trào Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau và công tác đảm bảo an sinh xã hội không tránh khỏi những khó khăn. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì khi xử lý các nút thắt này?
Ông Trần Văn Sinh: Nói về quá trình Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, hiện nay triển khai 3 chương trình mục tiêu Quốc gia. Đó là Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy đã thành lập Ban Chỉ đạo điều phối hoạt động nhưng khi triển khai xuống cơ sở, không thể không tránh khỏi những sự trùng lặp. Ví dụ như để tách bạch rõ ràng vấn đề này của chương trình này… là cả một quá trình tham mưu cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành cơ chế hạn chế các trùng lặp đó.
Về phía Mặt trận sẽ đẩy mạnh công tác giám sát việc thực hiện những quy định của Chính phủ, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và quy định cụ thể của địa phương để đảm bảo nguồn lực sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và thực sự phát huy hiệu quả.
Chúng tôi tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội cũng như bản thân Mặt trận chủ trì các cuộc gặp khác mới thấy, có những công trình khi xem xét lại, báo chí cũng thông tin rằng chất lượng xây dựng chưa đảm bảo, đầu tư còn trùng lặp, chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Tới đây, về phía Mặt trận sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, đồng thời tham gia xây dựng chính sách, tức là công tác phản biện xã hội để chính sách phát huy hiệu quả trong thực tế. Tránh ban hành chính sách khung, khi tổ chức thực hiện ở bên dưới là chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Ông Phạm Hồng Đào: Ở vấn đề này, tôi muốn trao đổi thêm một chút. Như anh Sinh chia sẻ, ngày 19/4/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2022/NĐ-CP về việc quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia, trong đó có quy định rõ về lồng ghép vốn thực hiện thế nào. Mục đích là đảm bảo không trùng lặp đối tượng, không trùng lặp phạm vi để thực hiện có hiệu quả nhất mục tiêu sử dụng vốn của Trung ương, địa phương.
Công khai, minh bạch để khích lệ người nghèo vươn lên
Nhà báo Diệu Bình: Mặc dù Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, hệ thống chính sách đã ban hành tương đối đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn người nghèo chưa tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo còn chưa bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả... Vậy phải làm gì để đảm bảo tính bền vững của các kết quả đạt được và giải quyết những thách thức trong tương lai, quan trọng hơn là tránh nguy cơ tái nghèo trở lại, xin mời ông Phạm Hồng Đào?
Ông Phạm Hồng Đào: Chính sách của Đảng và Nhà nước luôn thống nhất và nhất quán là giảm nghèo luôn được ưu tiên hàng đầu. Hệ thống chính sách được ban hành rất đầy đủ, nguồn lực để triển khai cũng được ưu tiên đảm bảo nên Việt Nam giảm tỷ lệ nghèo rất nhanh.
Từ năm 1993, tỷ lệ nghèo chiếm gần 60%. Qua thời gian thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo, tỷ lệ nghèo ở nước ta giảm còn 2,23/% vào năm 2021, tức là giảm gần 30 lần. Đấy cũng là một trong những thành tựu.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn có rất nhiều tồn tại như: Tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng không bền vững, có thể tái nghèo bất cứ lúc nào. Nguồn lực tuy phân bố đủ nhưng quá trình triển khai chưa hợp lý giữa các địa phương, các chương trình.
Vì vậy, trong thời gian tới, để đảm bảo giảm nghèo một cách bền vững, hạn chế tái nghèo, xử lý các vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn cũng như tận dụng các kết quả đã đạt được, theo tôi có một số biện pháp.
Trước tiên là tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật bởi đây là khung triển khai thực hiện. Việc thiết kế chính sách phải đảm bảo theo hướng đổi mới, không cho không nữa mà hỗ trợ có điều kiện, gắn với trách nhiệm của người nghèo, từ đó, người dân sẽ vươn lên thoát nghèo bền vững. Chính sách giảm nghèo sẽ đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền, gắn kết các vùng miền, liên kết sản xuất, kêu gọi doanh nghiệp tham gia vào các quá trình này. Đồng thời thể hiện được ưu đãi cho doanh nghiệp cũng như người dân hào hứng tham gia.
Biện pháp thứ hai là phải ưu tiên bố trí các nguồn lực thực hiện. Nguồn lực chắc chắn Nhà nước phải nắm vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, phải huy động nguồn lực xã hội hóa như anh Trần Văn Sinh nói, vai trò của Mặt trận ở đây là rất lớn, đó là huy động các nguồn lực doanh nghiệp, người dân, nước ngoài tham gia vào công tác giảm nghèo. Đồng thời huy động cả người dân cùng đóng góp vào đối ứng thực hiện.
Biện pháp thứ ba là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện chương trình. Cán bộ tham gia điều hành, quản lý các chương trình cũng như là người trực tiếp tham gia các dự án phải có kỹ năng, kinh nghiệm và được đào tạo, bồi dưỡng thì mới triển khai hiệu quả.
Vấn đề nữa là phải tăng cường công tác truyền thông, thông tin. Đây là vấn đề quan trọng, làm đến đâu, làm cái gì phải cho người dân biết…
Biện pháp cuối cùng không thể thiếu là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Làm mà không kiểm tra giám sát thì không biết có làm tốt hay vi phạm gì không? Làm chưa tốt thì phải hướng dẫn để họ làm tốt hơn.
Ông Trần Văn Sinh: Tôi xin bổ sung thêm, có một biện pháp rất quan trọng đó là phải công khai, minh bạch nguồn lực để người dân biết nguồn lực hỗ trợ đó từ Nhà nước và người dân tham gia, đóng góp thêm nguồn lực đối với những người có điều kiện.
Bấy lâu nay, ta vẫn nói các nguồn lực Nhà nước dành cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Nếu công khai rộng rãi, đặc biệt với những đối tượng được thụ hưởng, có thể công khai ở trụ sở ủy ban xã, nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư thi họ sẽ biết có chương trình dành cho xã mình, dành cho thôn mình thế nào? Người dân mới hiểu được Nhà nước tuy khó khăn nhưng vẫn dành ưu tiên cho công tác giảm nghèo, qua đó nỗ lực cố gắng hơn.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Trần Văn Sinh, phong trào thi đua Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau của Chính phủ đã và đang được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện thế nào?
Ông Trần Văn Sinh: Thực chất trước đây, chúng ta tổ chức với hình thức và tên gọi khác nhau nhưng đồng loạt tổ chức là từ năm 2000. Khi đó là Cuộc vận động Ngày vì người nghèo, trọng tâm là vận động nguồn lực thông qua Quỹ Vì người nghèo.
Quỹ Vì người nghèo có 4 cấp gồm: Quỹ Trung ương, quỹ cấp tỉnh, quỹ cấp huyện và quỹ cấp xã. Quỹ này hỗ trợ cho đối tượng người nghèo, người cận nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn đột xuất và gia đình đặc biệt khó khăn của xã hội,
Tôi giải thích thêm, hộ khó khăn đột xuất theo Nghị định của Chính phủ là hàng năm vào thời điểm cuối năm, ta rà soát từ cấp xã, những hộ nào thuộc diện nghèo, hộ nào thuộc diện cận nghèo rồi trình lên cấp huyện ban hành có danh mục. Tuy nhiên, rõ ràng có những người không nằm trong danh sách nhưng do bị bệnh tật, bị tai nạn đột xuất. Đời sống của họ không thuộc diện nằm trong quyết định danh sách hộ nghèo hay cận nghèo nhưng thực sự khó khăn rất nhiều so với việc quỹ này hỗ trợ người nghèo.
Một nội dung nữa về đối tượng hỗ trợ là hỗ trợ cho cộng đồng nghèo. Ở đây, cộng đồng nghèo được hiểu là khu dân cư, thôn bản khó khăn và những công trình thiết yếu, vận động các doanh nghiệp, các cá nhân muốn ủng hộ, ví dụ muốn ủng hộ cây cầu nhỏ trị giá vài chục triệu hay là một lớp học cho cộng đồng.
Đó là trước đây. Từ năm 2016, Chính phủ phát động, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phong trào thi đua Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau. Về phía Mặt trận, tổ chức phong trào Vì người nghèo, trọng tâm là xây dựng Quỹ Vì người nghèo.
Nhà báo Diệu Bình: Xin ông nói rõ hơn về việc triển khai các mô hình giảm nghèo tại địa phương?
Ông Trần Văn Sinh: Đối với việc sử dụng nguồn lực vận động từ Quỹ Vì người nghèo, thực ra số tiền hay số kinh phí so với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước là rất nhỏ. Như ông Phạm Thế Duyệt (nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị) từng nói: Đây như là sự động viên, góp phần khích lệ. Trọng tâm Quỹ Vì người nghèo chủ yếu là hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho những gia đình nghèo, gia đình cận nghèo, có khó khăn về nhà ở, tức là nhà ở dột nát.
Về phía Mặt trận, mục tiêu là xóa nhà dột nát, xây dựng nhà đại đoàn kết. Tại sao lại nói là nhà đại đoàn kết? Nhiều người cho rằng là động từ mạnh, mỹ miều… Thực chất, đại đoàn kết là sự góp sức chung tay của toàn xã hội, mỗi người đóng góp một chút vì tiền hỗ trợ xây dựng nhà khá lớn. Đối tượng là những hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo có nhà dột nát cần phải xây mới…
Thứ hai, là dành phần quà để thăm, tặng quà Tết hay ngày lễ cho người nghèo, hộ nghèo, cho những người có hoàn cảnh khó khăn, cho hộ cận nghèo.
Nhà báo Diệu Bình: Năm 2015, Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường nghèo đa chiều. Vậy giai đoạn 2021 – 2025, tiêu chí đánh giá chuẩn nghèo có điểm gì mới, thưa ông Phạm Hồng Đào.
Ông Phạm Hồng Đào: Chuẩn nghèo đa chiều được áp dụng ở nước ta từ giai đoạn 2016 – 2020. Điều này đánh dấu một bước phát triển rất lớn, vì trước đó, nước ta chỉ đo lường theo tiêu chí nghèo đơn chiều, nghèo theo thu nhập. Từ những năm 1993 áp dụng tiêu chí nghèo bằng hiện vật như: thóc, lúa. Qua thời gian cải tiến dần, đến năm 2000 chuyển sang đo lường với giá trị bằng tiền.
Năm 2015, chúng ta ban hành chuẩn nghèo đa chiều, áp dụng tiêu chí thu nhập, chiều thiếu hụt dịch vụ cơ bản. Chuẩn nghèo đa chiều sẽ phù hợp với phương pháp luận nghèo đa chiều cũng như là phù hợp với xu thế nghiên cứu và thực tiễn của thế giới. Như thế sẽ nhìn nhận vấn đề về nghèo đa chiều rộng lớn hơn, qua đó có thể hỗ trợ người nghèo giảm bớt sự thiếu hụt.
Tiếp thu giá trị chuẩn nghèo đa chiều của giai đoạn 2016 – 2020, giai đoạn kế tiếp là 2021 – 2025 sẽ tiếp tục áp dụng chuẩn nghèo đa chiều nhưng hạn chế một số tồn tại của chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 – 2020.
Thứ nhất: Về thu nhập, giai đoạn 2016 – 2020 chưa tiệm cận đến mức sống tối thiểu. Vì vậy trong giai đoạn tới 2021 – 2025 phải điều chỉnh thu nhập tiệm cận mức sống tối thiểu.
Thứ hai: Trong giai đoạn 2016 – 2020 mới chỉ có 5 chiều thiếu hụt, chưa phản ánh đầy đủ các chiều thiếu hụt của người nghèo. Vì vậy, trong giai đoạn 2021 – 2025, sẽ phải nhìn nhận rộng hơn. Đó là bổ sung thêm chiều thiếu hụt về việc làm và tiêu chí đo lường chiều thiếu hụt đó.
Giai đoạn 2016 - 2020 có một số chỉ tiêu để đo lường các chiều thiếu hụt chưa cụ thể. Trong giai đoạn 2021 – 2025, sẽ đo lường lại, cụ thể hóa hơn để phản ánh đối tượng hóa được, đo đếm được.
Năm 2021, Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, trong đó quy định chuẩn nghèo Quốc gia giai đoạn 2022 – 2025. Tiêu chí thu nhập đối với người nghèo nói chung cho hộ cận nghèo là 1,5 triệu đồng bình quân đầu người/tháng, cao gần gấp đôi. Các chiều thiếu hụt, bổ sung thêm chiều thiếu hụt dịch vụ về việc làm, trong đó có bổ sung thêm hai tiêu chí: Người có việc làm và người phụ thuộc. Như vậy, tổng số các tiêu chí sẽ bao gồm 6 tiêu chí, có sự khác biệt rất đáng kể so với giai đoạn trước.
Kết hợp, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội
Nhà báo Diệu Bình: Hiện tại, tiêu chí giảm nghèo đã chuyển từ tiêu chí nghèo đơn chiều chỉ dựa trên thu nhập sang tiêu chí nghèo đa chiều, dựa trên nhiều yếu tố khác như khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đổi mới này đã mang đến sự thay đổi như thế nào với người nghèo tại Việt Nam? Xin mời ông Phạm Hồng Đào.
Ông Phạm Hồng Đào: Đương nhiên là đã mang lại sự thay đổi. Chiều thiếu hụt được đánh giá nhiều, nước ta sẽ hỗ trợ cho người nghèo được nhiều hơn. Ví dụ như việc làm, sẽ hỗ trợ cho họ kết nối cung cầu thị trường lao động như thế nào? tìm việc làm ra làm sao?
Vấn đề nhà ở như anh Sinh đã nói, trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo đã thiết kế một dự án về nhà ở. Thiếu hụt về nhà ở sẽ được hỗ trợ sửa chữa hoặc xây mới để xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát.
Về y tế, nếu trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi sẽ được hỗ trợ dinh dưỡng, chưa được mua bảo hiểm y tế sẽ được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Chưa được dạy nghề sẽ hỗ trợ đào tạo về nghề nghiệp và có thể giới thiệu đi xuất khẩu lao động sang các thị trường mới, thu nhập ổn định hơn, nhiều việc làm hơn. Các chiều thiếu hụt khác như thiếu hụt về thông tin sẽ hỗ trợ về các phương tiện tiếp cận về thông tin.
Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia có 11 dự án và tiểu dự án thiết kế theo các chiều thiếu hụt đó. Bên cạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia, các chính sách vẫn thường xuyên được thực hiện đồng thời chứ không thực hiện riêng Chương trình mục tiêu Quốc gia, tức là vẫn có hỗ trợ về bảo hiểm y tế, hỗ trợ về việc làm, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ về thông tin.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ hỗ trợ các chính sách giảm nghèo đặc thù của từng địa phương. Ví dụ: hỗ trợ tiền ăn hoặc tiền điện, hỗ trợ pháp lý, hay hỗ trợ thiết bị cho trẻ em học online trong thời gian Covid-19. Như vậy, sẽ đạt được hiệu quả cao.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông, các tiêu chí này được thay đổi rõ rệt hơn và người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách?
Ông Phạm Hồng Đào: Vâng, đúng là như thế.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Trần Văn Sinh, sau khi phong trào thi đua Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau được Chính phủ phát động đã có tác động sâu rộng thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống của người dân?
Ông Trần Văn Sinh: Sau khi Chính phủ có quyết định ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, rõ ràng khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ để động viên các thành tố trong hệ thống chính trị, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận để triển khai.
Ở đây, tôi nêu thêm minh chứng cho việc phong trào được triển khai sớm. Trước đây, khi phát động Cuộc vận động Vì người nghèo năm 2000, nguồn lực và nhận thức xã hội còn ở mức độ nhất định dù được nhiều người hưởng ứng. Nhưng sau khi phong trào thi đua Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau lan rộng đã chứng kiến nhiều nơi, hộ gia đình nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở và còn được dòng họ, cộng đồng giúp đỡ thêm.
Tôi vẫn nhớ câu chuyện gần 20 năm trước ở Hà Nội có ông chủ một gia đình đã viết một bức thư chia sẻ với người thân là gia đình vừa được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ngay sau đó, ông trưởng họ sắp xếp về, hỗ trợ thêm vài triệu đồng để sắm sửa, mua thêm đồ dùng. Hay bây giờ ở nhiều nơi, các nhóm thiện nguyện vào dịp Tết Nguyên đán đã tổ chức, dành phần thu nhập của mình đi thăm các gia đình nghèo, khó khăn… tức là phong trào đã tạo ra sự lan tỏa sâu rộng.
Nói đến việc vận động, hỗ trợ cho người nghèo, rất nhiều tổ chức, cá nhân nhiệt tình hưởng ứng nên Quỹ Vì người nghèo vận động hàng năm rất khá, trừ năm 2021 do tình hình dịch bệnh, kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, người dân. Đồng thời lúc đó tập trung nguồn lực, vận động cho công tác phòng chống dịch.
Từ trước đến nay, việc vận động Quỹ Vì người nghèo dù nhiều hay ít, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cũng dành sự quan tâm. Ngay như cơ quan chúng tôi, một số anh em cán bộ cuối năm cũng dành một khoản thu nhập đi thăm những người khó khăn, người nghèo không phải thân nhân của mình ở quê hương hoặc địa phương từng công tác. Tôi biết ở rất nhiều cơ quan cũng như vậy.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Phạm Hồng Đào, trong giai đoạn 2021 – 2025, chúng ta có giải pháp gì để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo?
Ông Phạm Hồng Đào: Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia, thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, đó là giải pháp chính. Chương trình mục tiêu Quốc gia được phân bổ nguồn lực rất nhiều. Đây là một trong 3 chương trình trọng điểm của Quốc gia. Tổng nguồn vốn phân bổ cho Chương tình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo khoảng 75 nghìn tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là 48 nghìn tỷ đồng, vốn phát triển sự nghiệp và địa phương có 12 nghìn tỷ đồng, các nguồn huy động khác khoảng hơn 14 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nguồn lực triển khai Chương trình mục tiêu này rất lớn.
Bên cạnh hiệu quả mang lại của chương trình mục tiêu góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các chính sách giảm nghèo thường xuyên triển khai sẽ giúp người nghèo, hộ nghèo và người dân các vùng nghèo thoát nghèo nhanh hơn.
Với chính sách giảm nghèo thường xuyên, bên cạnh chính sách của Trung ương còn có chính sách giảm nghèo của địa phương. Như tôi nói lúc đầu, với các chính sách đặc thù, việc kết hợp cả Chương trình mục tiêu Quốc gia với nguồn lực lớn như thế, cùng với chính sách giảm nghèo của địa phương, tôi nghĩ chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đạt được các chỉ tiêu mà chương trình đặt ra. Đó là giảm nghèo đạt chỉ tiêu giảm từ 1 – 1,5%/năm, người nghèo ở vùng dân tộc thiểu số giảm 3%/năm, khoảng 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sẽ thoát khỏi tình trạng nghèo và đặc biệt khó khăn.
Nhà báo Diệu Bình: Xin ông Trần Văn Sinh nêu một vài điểm sáng trong công tác thực hiện chương trình giảm nghèo, các tấm gương tự thân giảm nghèo không chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ hoặc các mô hình giảm nghèo có thể nhân rộng?
Ông Trần Văn Sinh: Công cuộc xóa đói giảm nghèo hay gọi là giảm nghèo bền vững của Việt Nam thành công và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ngoài chính sách đúng của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức thành viên của Mặt trận thì sự tự thân của chính người dân là yếu tố quyết định. Bởi chính sách của Nhà nước có tính chất dẫn dắt, hỗ trợ, thúc đẩy, còn bản thân người dân là phải tự vươn lên.
Bây giờ có nhiều mô hình, nhiều cách làm. Người dân cũng thường xuyên cập nhật các kiến thức, nhiều hộ nông dân tham gia hình thức thương mại điện tử, bán hàng qua mạng. Họ tự cập nhật, tự giới thiệu sản phẩm của mình. Bản thân nhiều người nghèo sau khi được sự hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo, từ đó quay trở lại giúp đỡ cộng đồng. Đó sẽ là tấm gương thúc đẩy những người nghèo khác tự thân vươn lên.
Chúng tôi chưa có thời gian để tổng hợp số lượng cụ thể nhưng có rất nhiều người như vậy. Như các bạn biết, cách đây vài năm, có cụ bà hơn 90 tuổi ở Thanh Hóa tự viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Cụ đã nói rằng: “Tôi vẫn còn khó khăn nhưng tôi tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo, tại vì nhiều người còn khó khăn hơn tôi”. Hay ở Quảng Ninh cũng có những bản cam kết tự xin ra khỏi hộ nghèo… Đó là những minh chứng về tinh thần tự vươn lên của người nghèo và hộ nghèo.
Nhà báo Diệu Bình: Vậy những điển hình về thoát nghèo, cụ thể là làm kinh tế giỏi, thưa ông?
Ông Trần Văn Sinh: Về tấm gương làm kinh tế giỏi tại các địa phương, chúng tôi chưa rà soát nhưng rõ ràng, việc khích lệ người dân như anh Phạm Hồng Đào nói, giai đoạn 2021 – 2030, chủ yếu xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự hỗ trợ của Nhà nước, chuyển từ trực tiếp sang gián tiếp, tạo điều kiện để cho người nghèo vươn lên thoát nghèo.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Trần Văn Sinh, ông đánh giá sao về sự tác động của xã hội và các tổ chức với các chương trình giảm nghèo? Làm sao để thu hút sự quan tâm, hưởng ứng hơn nữa của cộng đồng, người dân cũng như các tổ chức vào công cuộc giảm nghèo bền vững?
Ông Trần Văn Sinh: Về phía Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trước hết là tổ chức chính trị xã hội đã có hướng dẫn và hiện nay, tại các địa phương cũng đang triển khai. Đó là tránh trường hợp “một con gà mấy nhà báo cáo”, “một cây táo mấy người ghi tên”. Mặt trận có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như tôi nói là “Công, Nông, Thanh, Phụ, Cựu”. Công đoàn ở cấp xã không có, chủ yếu là 4 tổ chức còn lại, phân chia ra, hiệp thương, thống nhất với nhau các hộ này do tổ chức nào động viên, giúp đỡ.
Mình cứ nói chung chung, phong trào nêu lên nhưng cuối cùng là ai, tổ chức nào có trách nhiệm là động viên, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo hay hộ khó khăn ở trên địa bàn? Hộ nghèo là tôi nói chung, bao gồm cả hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất phải phân chia ra để giúp đỡ. Như vậy, nếu cứ nêu chung chung, phát động phong trào mà không phân chia cụ thể sẽ rất khó giúp đỡ.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông, như vậy đã có sự điều phối bài bản hơn trong công tác hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo… tại địa phương. Ông có thể chia sẻ thêm một vài ví dụ về tác động của tổ chức trong công tác giảm nghèo?
Ông Trần Văn Sinh: Mặt trận chỉ đóng vai trò hiệp thương để phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác… Để nhận định những tổ chức nào triển khai mạnh mẽ công việc này mang lại kết quả thiết thực, tôi đánh giá một trong những tổ chức đó là Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên. Hội Người cao tuổi cũng rất quan trọng, là tấm gương sáng để động viên, hướng dẫn con cháu mình. Nếu đời sống còn khó khăn, làm sao cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân gia đình. Từ đó, hộ nghèo thì bớt nghèo, hộ cận nghèo thì thoát nghèo.
Nhà báo Diệu Bình: Có thể thấy, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt và vượt một số mục tiêu đề ra. Xin ông Trần Văn Sinh cho biết một số điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo tại các địa phương trên cả nước. Chúng ta rút được bài học, kinh nghiệm gì từ những cách làm này?
Ông Trần Văn Sinh: Tôi cho rằng, ngoài những chính sách của Nhà nước ban hành là vấn đề công khai, minh bạch nguồn lực. Để làm gì? Để cả xã hội nhìn vào và cùng chia sẻ.
Với kinh nghiệm của Mặt trận là cơ quan tổ chức, vận động các đợt ủng hộ người nghèo, giúp đỡ đồng bào khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lũ, hay phòng chống dịch bệnh, công tác công khai minh bạch để xã hội cùng nhận thức đúng, cùng chia sẻ là rất quan trọng.
Chúng tôi đi vận động, người ta nói rằng, Nhà nước đã đầu tư, dành nguồn lực rất lớn, trong đó có vấn đề kinh phí, nếu ta không công khai, minh bạch, bản thân người nghèo vươn lên rất khó. Như ở một địa phương tôi từng đi khảo sát, bình xét để công nhận gia đình văn hóa, tỷ lệ người dân tham gia cuộc họp không nhiều so với cuộc họp để bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo bởi nhiều chính sách đi theo việc hỗ trợ đó. Do cách mình truyền thông, giải thích, công khai minh bạch dẫn đến có một bộ phận nhỏ trong người nghèo ỷ lại, còn hầu hết người nghèo có tự trọng, chứ không ai muốn vào hộ nghèo. Chúng ta phải truyền thông và giải thích để thúc đẩy hỗ trợ người nghèo có tinh thần tự lực, vươn lên.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Trần Văn Sinh, xin ông cho biết thêm về công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững tại các địa phương cũng như trong quy trình xác định đối tượng hỗ trợ: hộ nghèo, hộ cận nghèo do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định?
Ông Trần Văn Sinh: Việc giám sát quá trình xác định các đối tượng, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo làm thường xuyên, hàng năm và chủ yếu diễn ra ở khu dân cư, cấp xã, phường, thị trấn. Tức là phải giám sát việc xác định đúng đối tượng, đúng danh sách. Tránh trường hợp khi có hỗ trợ, người dân lại bảo trường hợp này là người nhà của đồng chí lãnh đạo cấp xã đưa lên, hoặc ông này khó khăn hơn lại không được đưa vào danh sách hộ nghèo hay cận nghèo cần hỗ trợ. Việc này không phổ biến nhưng vẫn xảy ra.
Bên cạnh đó là khâu giám sát việc phân bổ, sử dụng nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của Nhà nước cho công tác giảm nghèo. Nguồn lực đối với Mặt trận vận động, Mặt trận có trách nhiệm hướng dẫn, động viên để tránh các trường hợp tổ chức ủng hộ chỉ tập trung cho một số đối tượng và địa phương, còn những vùng xa xôi, khó khăn như biên giới, hải đảo ít được chia sẻ. Sự chia sẻ có tính chất khích lệ, động viên, nguồn lực của xã hội cho người nghèo.
Nhà báo Diệu Bình: Xin ông cho biết rõ hơn Mặt trận sẽ giám sát quy trình xác định những đối tượng nghèo như thế nào?
Ông Trần Văn Sinh: Việc giám sát của Mặt trận là giám sát thông qua động viên người dân tự giám sát. Quy trình xác định đối tượng nghèo, cận nghèo bắt đầu làm từ khu dân cư lên, tức là thôn, làng, bản, ấp, sóc… Sau khi rà soát theo tiêu chí của nghèo đa chiều do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu, xây dựng và Chính phủ ban hành, tiếp đến cấp xã rà soát lại rồi chuyển danh sách lên UBND huyện, cụ thể là Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định.
Mặt trận (bao gồm cả các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức xã hội khác trên địa bàn) tham gia vào quá trình này và ở trong cơ cấu ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo cũng giám sát sau khi lập danh sách, kể cả việc giám sát về nguồn lực. Ngoài ra, còn người dân giám sát việc lập và phê duyệt danh sách bởi chỉ có người dân ở cộng đồng dân cư mới biết đưa ông A vào danh sách hộ nghèo xứng đáng so với ông B. Cũng có khi để tránh trường hợp sót đối tượng hay tránh trường hợp chưa đúng đối tượng chứ không phải sai.
Theo tôi, khi đưa vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là đã rà soát, không sai nhưng chưa phù hợp. Ví dụ như hộ A lẽ ra xét theo tiêu chí nghèo đa chiều chưa chắc khó khăn hơn bộ B nhưng hộ B không có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ A lại có. Như vậy là chưa phù hợp.
PHẦN II
Coi người nghèo là đối tác phát triển kinh tế
Những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng hàng năm, ngân sách nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ trực tiếp cũng như lồng ghép thông qua các chương trình, dự án chính sách giảm nghèo, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo.
Ở phần 1 chương trình, các khách mời đã chia sẻ nhiều thông tin về công tác giảm nghèo bền vững. Trong phần 2, mời quý vị và các bạn tiếp tục đến với những góc nhìn khác về vấn đề này.
Nhà báo Diệu Bình: Xin mời ông Ngô Trường Thi đánh giá về những thành tựu nổi bật cũng như những hạn chế cần khắc phục trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020?
Ông Ngô Trường Thi: Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, tất cả các mục tiêu và chỉ tiêu chương trình đã đều đạt và vượt kế hoạch. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 9,5% xuống còn hơn 3%, bình quân giảm hơn 1,5%. Đây là con số giảm tương đối lớn. Chúng tôi đã thống nhất với Tổng cục Thống kê và cũng rất đồng tình đánh giá mức độ giảm này là tương đối phù hợp.
Cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã được cải thiện rõ nét, thể hiện ở mức độ đạt được của các xã về giao thông, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt. Về cơ bản, hầu như đến trung tâm xã là đều đã có, chỉ còn mấy huyện Tây Nghệ An giai đoạn cuối là chưa có điện. Đối với những thôn bản thì hơn 80% là đã có điện sinh hoạt cho người dân. Đó là một thành tựu cực kỳ là quan trọng.
Thu nhập người nghèo đã được cải thiện, tăng lên từ 1,5 đến 1,6 lần. Rồi các chiều thiếu hụt trong tiếp cận với vùng sâu cơ bản đã được giảm, tức là nâng cao mức độ cải thiện đời sống của người dân.
Theo tôi, những hạn chế tồn tại là những vấn đề cần hết sức quan tâm để giai đoạn này và sau nữa phải tiếp tục tháo gỡ.
Thứ nhất, chúng ta đang thực hiện Luật Đầu tư công, trong đó có những quy định rất cụ thể và chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền sửa đổi, Chính phủ không thay đổi được. Khi đã bố trí vốn, muốn thay đổi thì phải Quốc hội và ít nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý mới thay đổi được.
Một quy trình từ khi Quốc hội thông qua đến khi trao đến được địa phương cũng mất nhiều thời gian, rồi quy trình thủ tục phê duyệt cực kỳ phức tạp. Tôi thiết nghĩ, phải chăng các cơ quan quản lý càng muốn phức tạp hóa vấn đề, cố làm chặt để không thất thoát nhưng những người thực hiện lại cực kỳ khó làm, không dễ chút nào.
Tôi mong muốn, đã có nguồn lực, đã có địa chỉ, đã có cơ chế thì nguồn vốn phải được giải ngân sớm. Thủ tướng luôn chỉ đạo thúc đẩy nhanh thế nhưng không nhanh được bởi bây giờ, người làm cũng sợ, làm không cẩn thận lại có khuyết điểm; người phê duyệt cũng sợ vì các thủ tục, quy định nếu không làm trước tháng 10 hàng năm là không được đưa vào danh mục. Để làm được việc đó thì quy trình thủ tục phải đi từ dưới lên.
Tôi nhớ giai đoạn trước, có đại biểu Quốc hội nói là ở Sơn La, chúng tôi làm rất đúng và rất nhanh cũng phải mất năm mươi mấy ngày mới xong một quy trình. Có những vấn đề đã bố trí vốn kịp thời, đầy đủ, nhưng để đến được đối tượng thụ hưởng lại quá mất cơ hội, không dùng được.
Tôi nghĩ, bây giờ đầu tư công cố gắng bố trí trung hạn, phải giao quyền cho địa phương, cho cộng đồng người dân để họ chủ động. Nếu cứ quy định cứng thì có vốn cũng không làm được, sẽ rất lãng phí trong khi người dân đang phải chờ đợi.
Thứ hai, hỗ trợ sinh kế cho người dân dù đã được quan tâm nhưng việc thực hiện cũng là cả một vấn đề, làm sao gắn được với nhu cầu của người dân, người dân phải là chủ thể thực hiện thì cũng còn khó.
Về hỗ trợ có điều kiện, chúng tôi cũng đặt ra nhưng thiếu sự hưởng ứng của người dân, của địa phương. Địa phương ngại làm theo mất nhiều thời gian nhưng nếu chúng ta làm tốt thì đảm bảo sự minh bạch và gắn trách nhiệm người dân hơn rất nhiều.
Đến lúc này, theo tôi không nên cho không nữa, chỉ cho không giai đoạn người dân đang cực kỳ khó khăn. Khi người dân đã bớt khó khăn thì phải cùng thực hiện các mục tiêu với Nhà nước trong tiến trình giảm nghèo. Quan trọng nhất không phải là vấn đề tiền mà là gắn với người dân.
Cùng là hỗ trợ một con bò nhưng nếu cho không thì người dân sẽ không có trách nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn nói bò nhiều quá chán, không thích Trong khi đó ở miền xuôi, hỗ trợ một con bò thì người dân quý lắm. Như vậy, nên có một cơ chế chính sách là người dân muốn được hỗ trợ ít nhất phải tham gia 10 - 20%, hoặc là sau này khi bò đã sinh sản thì phải luân chuyển cho người khác cùng được hưởng.
Quan điểm lúc đầu chúng tôi đề ra là đã hỗ trợ con bò thì phải hỗ trợ từ 2 - 3 con từ nguồn ngân sách, nguồn vay ngân hàng, nguồn tự lực của gia đình. Từ 2 - 3 con bò thì sau này mới ra được 6 - 7 con hay chục con. Như vậy mới có được khoản tiền để khi cần sửa chữa nhà ở hay cho con cái học, còn chỉ có 1 con bò thì không giải quyết được vấn đề gì, cũng mất công chăn nuôi như nhau.
Cơ chế có, chính sách có nhưng thực hiện thì địa phương cũng không muốn làm, người dân cũng không muốn làm. Cá nhân tôi thấy, phải làm tốt công tác tuyên truyền, thống nhất về nhận thức. Đây là trách nhiệm của địa phương, của cả người dân khi tham gia.
Thứ ba, vấn đề truyền thông vừa qua đã làm rất tốt nhưng cần phải tiếp tục đa dạng hóa những thông tin hết sức thiết thực, những cách làm hay, những mô hình tốt (thậm chí là cả những hiện tượng không tốt cũng nên đưa ra) để tạo một hiệu ứng đến với cả nước, để mọi người biết và cùng thực hiện.
Một điểm nữa là giám sát, tôi rất đồng tình xu hướng phân cấp cho địa phương càng nhiều càng tốt, Trung ương chỉ nên quản lý mục tiêu, ban hành cơ chế chính sách. Tập huấn thì chương trình nào cũng có, hỗ trợ sản xuất thì chương trình nào cũng có nhưng dưới địa phương rất khó lồng ghép. Sau này, nên đẩy mạnh phân cấp toàn bộ cho địa phương, cho cơ sở. Trung ương, Chính phủ ban hành cơ chế quản lý, đặt ra mục tiêu và kiểm tra giám sát. Chúng ta phải có giải pháp, cơ chế, có những biện pháp để thực sự là giao cho cộng đồng, cho người dân làm.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo, bên cạnh các chính sách thiết thực của Nhà nước và sự nỗ lực của các ban ngành, đoàn thể thì công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng. Xin ông đánh giá vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững?
Ông Hoàng Xuân Lương: Trong những năm qua đã chứng minh rất rõ vai trò của cơ quan truyền thông, báo chí ngày càng chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước mà còn là tiếng nói của người dân mang tính chất phản biện, cung cấp những vấn đề từ thực tiễn, ý kiến người dân rồi phát hiện ra những lỗ hổng, những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách. Từ ý kiến người dân thông qua báo chí được phản ánh lên Đảng và Chính phủ để điều chỉnh lại các chính sách.
Báo chí không chỉ truyền đạt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân mà báo chí đã dũng cảm phát hiện ra các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, phản ánh điều đó cho các cấp, các ngành để điều chỉnh quá trình tổ chức thực hiện chính sách.
Tôi đánh giá rất cao tính chất phản biện đó. Tôi cũng rất mong Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam có những cơ chế, chính sách bảo vệ báo chí trong thực hiện chức năng phản biện xã hội, để báo chí không chỉ thực hiện tốt tiếng nói của Đảng, của Nhà nước mà còn là tiếng nói rất quan trọng của người dân.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, theo đánh giá của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), các chương trình giảm nghèo giai đoạn trước có nhiều chính sách chồng chéo dẫn đến việc bất cập trong đầu tư, quản lý, điều hành và giám sát. Vậy giai đoạn này khắc phục tồn tại ra sao?
Ông Ngô Trường Thi: Các tổ chức UNDP, WB có nhiều quy định ràng buộc phức tạp, để triển khai một dự án thì chuẩn bị cũng phải mất hai năm. Tuy nhiên ở góc nhìn của họ, mình nên lắng nghe và cái gì đúng nên tiếp thu, nghiên cứu.
Vấn đề là từ cách thiết kế các chương trình dẫn đến sự chồng chéo và chồng chéo cả trong thực hiện. Chúng ta phải dần sửa đổi cho từng chương trình, chính sách có phạm vi rõ ràng, đối tượng cụ thể, minh bạch để hạn chế sự chồng chéo.
Về mặt quản lý, điều hành, hiện nay Quốc hội và Chính phủ đã có những chủ trương, ví dụ là vấn đề phân cấp chuyển vốn cho toàn bộ các địa phương. Đấy là một sự thay đổi. Chúng ta phải làm từng bước vì liên quan tới vấn đề luật pháp. Không phải cái gì muốn là làm được, nhưng cái gì chủ quan thì phải sửa.
Giai đoạn này, Quốc hội tiến hành các đợt giám sát chuyên đề sớm, ngoài ra còn có giám sát của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cũng có những vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đây là vấn đề có hai mặt, một là từ cơ chế chính sách, hai là từ khâu tổ chức thực hiện, phải từng bước khắc phục.
Tôi cũng rất đồng cảm với những nhà hoạch định chính sách, có những quy định luật đã ban hành không thể nào làm khác luật. Chính phủ cũng không thể làm khác mà phải là Quốc hội. Quản lý theo pháp luật thì không được trái, thế nhưng phải từng bước sửa đổi phù hợp. Vấn đề này phải có thời gian, chứ không phải luật ban hành xong, bảo sửa là sửa ngay được. Cần phải đánh giá tác động, đánh giá thực hiện trong thực tiễn thế nào, có bất cập gì thì mới sửa được.
Vấn đề thực hiện thì tôi nghĩ phải quy định rõ trách nhiệm. Cấp nào làm như thế nào, bao giờ xong thì phải rất rõ ràng, nếu không dẫn đến đùn đẩy. Địa phương đẩy cho Trung ương, Trung ương lại đẩy về địa phương sẽ dẫn đến chậm tiến độ. Vốn đã bố trí, tiền không đến được với dân thì đấy là việc cần phải khắc phục.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, một số ý kiến cho rằng, địa phương nào coi người nghèo là đối tác để phát triển mà không coi họ là những đối tượng trợ giúp xã hội thì những địa phương đó mới có sự bứt phá về công tác giảm nghèo. Ông nhận định ra sao vềý kiến này?
Ông Hoàng Xuân Lương: Tôi hoàn toàn đồng tình về nhận định này. Trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội về phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số có một quan điểm mới rất hay. Đây chính là cái gốc của vấn đề chúng ta triển khai xây dựng chương trình.
Quốc hội nêu ra quan điểm là phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển đất nước. Quan điểm này đặt người dân tộc thiểu số, đặt vùng dân tộc thiểu số trong chiến lược phát triển và coi họ là chủ thể chứ không chỉ là đối tượng thụ hưởng, chờ đợi chính sách và coi những chính sách đấy là chính sách nhân đạo xã hội.
Đây là chính sách phát triển chiến lược, đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số là đầu tư cho phát triển chiến lược đất nước bền vững. Tôi cho rằng, quan điểm này hoàn toàn đúng đắn. Nếu không để cho người dân tự phát huy được bản sắc văn hóa của họ thì không thể nào Nhà nước có đủ nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa đến tận làng bản.
Ở nước ta, Nhà nước chỉ ban hành chương trình về phát triển văn hóa dân tộc thiểu số nhưng từ dưới cơ sở, những địa phương nào quan tâm là người dân tự nguyện hình thành các tổ, đội, nhóm sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đến ngày lễ hội là Nhà nước không cần phải đầu tư, tất cả sinh hoạt văn hóa dưới làng bản của người dân hoàn toàn là tự nguyện. Sinh hoạt văn hóa chính là yếu tố khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc để người dân vươn lên.
Có một địa phương mà tôi nghĩ là Đảng và Nhà nước cần phải có chỉ đạo tổng kết, đó là huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định. Huyện Hải Hậu là huyện mà tôi đánh giá rất cao về tính chủ động trong xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo huyện Hải Hậu rất coi trọng tính chủ động, sáng tạo của người dân, huy động được người dân vào phát triển, đặc biệt đây là vùng theo đạo Thiên Chúa, một trong những trung tâm của đạo Thiên Chúa. Cái gắn kết từ sự tôn trọng người dân, đặt người dân là chủ thể, chứ không là chủ động chính sách nhân đạo nên huy động được cả đồng bào bên lương và đồng bào bên giáo, cả các linh mục, chức sắc đều chủ động sáng tạo để xây dựng các chương trình kinh tế - xã hội và chương trình văn hóa.
Từng người dân ở Hải Hậu, cho dù ở bên lương hay bên giáo đều chủ động xây dựng vườn hoa vào trong nhà mình. Hai bên đường, người dân tự nguyện hiến đất nên bây giờ tất cả các tuyến đường, ngõ đi vào trong thôn, xóm của huyện Hải Hậu đều là 2 làn xe ôtô tránh nhau. Hai bên tuyến đường người dân trồng hoa theo một mô hình chung của huyện, còn lại toàn bộ là người dân tự bỏ tiền trồng hoa. Tôi cho rằng, mô hình của Hải Hậu (Nam Định) cần được tổng kết, đánh giá và đó chính là do yếu tố đặt con người trong sự phát triển.
Tôi rất đồng tình với cách đặt vấn đề trong đánh giá về kết quả giảm nghèo những năm vừa qua. Chính phủ đánh giá, những nơi nào được địa phương cấp ủy, chính quyền quan tâm và coi giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm thì kết quả rất tốt và ngược lại. Chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi là tại sao cùng mặt bằng chính sách, cùng một cơ chế, có địa phương làm tốt, có địa phương làm không tốt.
Một điểm nữa, từ trước đến nay, chúng tôi luôn đặt giảm nghèo trong sự phát triển, trong đời sống an sinh, trong tiếp cận thị trường cùng với việc làm và đào tạo nghề, chứ không phải là vấn đề trợ cấp. Trợ cấp xã hội là đối tượng khác. Trợ cấp xã hội là trợ cấp thường xuyên cho nhóm đối tượng yếu thế, như là người tàn tật, người già, trẻ em mồ côi hoặc là có những trợ cấp đột xuất như là cứu trợ thiên tai, lũ bão…
Khi xác định được giảm nghèo nằm trong chiến lược phát triển, chúng ta mới có giải pháp, có những biện pháp để tác động tốt. Còn nếu coi giảm nghèo chỉ là trợ cấp thì đó là một sai lầm và không bao giờ đạt được mục tiêu đề ra.
Gắn trách nhiệm người dân với nguồn lực hỗ trợ
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Ngô Trường Thi, việc đa dạng hóa hỗ trợ sinh kế đã giúp người nghèo thoát nghèo bền vững thế nào? Theo ông, cách hỗ trợ này đã mang lại hiệu quả ra sao trong việc triệt tiêu tâm lý ỷ lại, trông chờ của một bộ phận người nghèo hiện nay?
Ông Ngô Trường Thi: Nếu nói người nghèo ỷ lại, tất nhiên cũng có thể có trường hợp như vậy, nhưng là oan cho họ bởi chính cơ chế chính sách tạo ra sự ỷ lại đó.
Trước đây, khi đi giám sát Quốc hội, tôi báo cáo với chị Trương Thị Mai là Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bây giờ cứ bắt cho cái người ta có, bắt người ta không muốn nhận cũng phải nhận thì có phải là họ ỷ lại không? Không phải. Người ta muốn cái khác thì mình không cho, mình lại cho cái người ta không cần thì đó là cái gì? Họ đâu có quyền đưa ra nguyện vọng. Trước khi nói họ ỷ lại thì phải xem lại cách làm, chúng ta mang đến cho họ cái gì mới là cái quan trọng.
Quay trở lại với câu chuyện về hỗ trợ sinh kế. Tại sao có rất nhiều mô hình rất hiệu quả nhưng khi kết thúc thì phát huy không cao bởi do cách làm của chúng ta. Cách làm không phát huy được trách nhiệm của đối tượng tham gia. Chúng ta làm xong để quyết toán cho xong. Vấn đề là mô hình đó, cách làm đó phải có tác động đến đối tượng thụ hưởng, không phải vấn đề quyết toán tiền bạc.
Phải làm sao để khi kết thúc mô hình trình diễn vẫn phát huy được hiệu quả. Cách hỗ trợ tốt nhất là đừng sợ người nghèo quá không có khả năng đóng góp. 10% cũng được nhưng gắn với trách nhiệm và họ có được tiếng nói cũng như cảm thấy rõ ràng. Như đi sinh hoạt lớp chẳng hạn, ai cũng đứng ra tài trợ thì những người khác chỉ đi một lần, lần sau không tham gia nữa vì họ không có tiếng nói.
Người nghèo cũng vậy, chúng ta phải đặt ra những điều kiện. Thứ nhất là phải tự nguyện tham gia. Thứ hai, phải có đóng góp trong giá trị của sản phẩm. Thứ ba, phải có trách nhiệm cộng đồng sau khi đã có được sản phẩm. Qua đó, mô hình sinh kế sẽ ở lại lâu với người dân và đồng thời sẽ hạn chế được tâm lý ỷ lại.
Quá trình công tác tại một số địa phương tôi có được nghe người dân phản ánh: Tại sao tôi cũng nghèo nhưng vì cố gắng nên tôi đỡ khó khăn hơn, nhưng những người không chịu làm ăn thì suốt ngày được hỗ trợ, vậy công bằng ở đâu? Họ nói câu đó khiến tôi rất suy nghĩ. Tại sao chỉ hỗ trợ cho những người không chịu làm, những người cũng khó khăn nhưng chịu làm mình lại không hỗ trợ. Đấy là không công bằng.
Quan trọng nhất là phải tạo được sự công bằng trong hỗ trợ và phải tạo được sự gắn kết để sau khi Nhà nước kết thúc thời gian hỗ trợ, chương trình giảm nghèo, làm kinh tế đó vẫn phát triển.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị khách mời, muốn việc hỗ trợ giảm nghèo và phát triển các chương trình chính sách, mô hình hiệu quả thì bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước phải gắn trách nhiệm của người dân. Khi họ bỏ tiền vốn ra thì mới có trách nhiệm với đồng vốn của mình. Hai vị khách mời nhận định sao về điều này, xin mời ông Hoàng Xuân Lương?
Ông Hoàng Xuân Lương: Ông cha ta trước đây thường hay nói cho “cần câu” thôi chứ không cho "con cá" là rất đúng. Phải làm thế nào để huy động được sức sáng tạo của người dân nên tôi đồng tình với các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đã thống nhất, từ nay trở đi đề nghị Nhà nước cắt hoàn toàn chính sách cho không, chỉ trừ các đối tượng chính sách xã hội neo đơn, mất sức lao động thì chuyển thành các đối tượng trợ cấp xã hội.
Về chính sách đối với người nghèo, phải cắt bỏ các chính sách cho không, chỉ hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn và hướng cho họ cách sản xuất để họ tự lực, tự câu cá. Họ phải làm ra được cá chứ không phải ngồi chờ Nhà nước cho cá. Tôi cho rằng đó là hướng phát triển đúng đắn và phù hợp của chính sách trong những năm tới.
Nhà báo Diệu Bình: Xin cho biết quan điểm của ông Ngô Trường Thi?
Ông Ngô Trường Thi: Ngoài vấn đề hỗ trợ gắn với điều kiện, phải khơi dậy được ham muốn làm giàu của người dân, chứ đừng để tự bằng lòng. Điều đó rất nguy hiểm. Bà con mình thực sự rất tốt nhưng hay bằng lòng với cái mình có, có một chút đã hài lòng và không làm nữa.
Tôi quay lại với câu chuyện là một con bò không giải quyết vấn đề gì, hỗ trợ phải từ 2 - 3 con bò sinh sản trở lên. Nguồn vốn không thiếu, có cả nguồn vốn hỗ trợ ngân sách nhà nước, của Ngân hàng Chính sách xã hội, cả vốn tự có của người dân. Khi về mấy huyện miền Tây, xuống cơ sở xem bò được hỗ trợ theo chương trình, thấy họ chăn nuôi bò vui và sung sướng lắm nhưng khi tôi hỏi tại sao không mua 2 - 3 con, họ trả lời không có tiền.
Ngoài ra, quan trọng nhất là ý thức của người dân, được hỗ trợ thì phải tiếp nhận hỗ trợ thế nào hiệu quả. Đó là vấn đề phải thay đổi suy nghĩ. Để thay đổi suy nghĩ phải có quá trình, 1 - 2 ngày không thể thay đổi được ngay.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, như ông vừa nói là cho người dân “chiếc cần câu” chứ không nên cho “con cá” và Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp người dân tự lực tự cường vươn lên trong cuộc sống. Ông đánh giá thế nào về vai trò, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội?
Ông Hoàng Xuân Lương: Ngân hàng Chính sách xã hội là một sự sáng tạo của Việt Nam. Trong chính sách giảm nghèo đã hình thành hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tôi đã từng làm bí thư huyện ủy nên tôi hiểu vai trò rất lớn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người nghèo. Có thể nói, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong việc giảm nghèo ở vùng đồng bào nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số. Đây là chính sách hết sức đúng đắn.
Hàng năm, Chính phủ hỗ trợ để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn lực trực tiếp hỗ trợ cho các hộ gia đình vay vốn với cơ chế là hết sức thuận lợi, ngày càng giảm bớt các thủ tục. Không chỉ cho vay tiền, Ngân hàng Chính sách xã hội còn có phương thức phối hợp với khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Cán bộ của ngân hàng cùng với cán bộ các cấp, các ngành của huyện xuống đến từng thôn bản để hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn hiệu quả.
Nhà báo Diệu Bình: Vậy ông nhận xét thế nào về các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, cụ thể là các khu vực nghèo hiện nay?
Ông Hoàng Xuân Lương: Có câu chuyện về việc sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cách đây 10 năm. Gia đình này vay tiền về, chồng mang đi mua rượu uống, vợ sợ mất tiền nên gói tiền lại rồi bỏ vào ống nứa, cất trên mái nhà để đến kỳ thì trả lại.
Hiện nay, những vấn đề đó ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn nữa bởi họ được chính quyền, cán bộ chuyên trách hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích như trong chăn nuôi gia súc, phát triển trồng cây dưới tán rừng. Người dân đã biết trồng cây dưới tán rừng, biết hình thành các mô hình du lịch sinh thái.
Mô hình du lịch sinh thái ở vùng miền núi phía Bắc rất đẹp. Hộ gia đình nào biết phát huy vẻ đẹp của thiên nhiên vào phát triển sinh thái văn hóa gắn với du lịch là rất tốt. Bây giờ, đi khắp các vùng miền núi phía Bắc đều thấy các mô hình phát triển kinh tế - xã hội giảm nghèo bền vững của người dân tộc thiểu số.
Tôi nguyên là chuyên gia tư vấn của Quốc hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giảm nghèo đa chiều của Việt Nam thì thấy Ngân hàng Chính sách xã hội đóng góp cực kỳ lớn. Hiện nay Ngân hàng Chính sách xã hội có khoảng trên 20 chương trình tác động đến người nghèo thì có rất nhiều chương trình hỗ trợ cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ muốn thoát nghèo… không bỏ sót đối tượng nào cả.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tham gia vào chương trình việc làm – một chiều thiếu hụt trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, cho học sinh - sinh viên vay tiền đóng học phí, cho vay nước sạch, cho vay đối với đồng bào dân tộc và một số chương trình khác. Như vậy, đóng góp của Ngân hàng Chính sách xã hội cực kỳ quan trọng, chính là một giải pháp để tăng khả năng tiếp cận cơ bản của người nghèo.
Những năm qua, Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm, thường xuyên bổ sung vốn điều lệ cũng như cấp bù chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay để Ngân hàng Chính sách xã hội có thể thực hiện những nhiệm vụ này.
Trong hệ thống chính sách giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp cho người nghèo nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng có vốn để thực hiện những hoạt động đề ra. Đồng thời giảm bớt tính ỷ lại của người dân và hạn chế trợ cấp cho không như trước đây.
Để làm tốt hơn nữa, việc kết hợp giữa cho vay, chuyển giao kỹ thuật cần phải gắn kết hơn. Như vậy, sẽ tạo ra sức sản xuất rất lớn. Mức vay hiện nay cơ bản là ổn nhưng phải linh hoạt để giải quyết nhu cầu cho người dân. Những năm gần đây, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tham gia triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở và hỗ trợ ổn định sau dịch Covid-19 cho người lao động.
Đây là một mô hình học tập của Bangladesh nhưng khác là Nhà nước đứng ra làm còn các nước khác là tư nhân làm. Có thể khẳng định, đây là kênh hỗ trợ rất tốt ngoài các kênh hệ thống ngân hàng thương mại.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị khách mời, báo chí truyền thông có vai trò lớn trong việc tuyên truyền các chính sách của Nhà nước cũng như các hoạt động triển khai công tác giảm nghèo. Vậy việc tuyên truyền, biểu dương những mô hình cụ thể, phản ánh gương điển hình tiên tiến… đã tác động như thế nào đến việc thúc đẩy, nhân rộng hơn nữa những mô hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo bền vững tại các địa phương? Mời ông Ngô Trường Thi.
Ông Ngô Trường Thi: Truyền thông có cả hai mặt, cả tuyên truyền, cả phản biện.
Về tuyên truyền, ví dụ gương điển hình như bà cụ ở Thanh Hóa làm đơn xin thoát nghèo hay những mô hình, cách làm của một số địa phương được cơ quan truyền thông đưa lên đã tạo ra sự lan tỏa đến các địa phương khác. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt mà được truyền thông thì sẽ tạo ra sự cộng hưởng và hiệu ứng rất tốt.
Về phản biện xã hội, truyền thông cũng đưa ra rất nhiều phản biện đúng và từ đó giúp cơ quan quản lý có những điều chỉnh hoặc phải kiểm tra lại.
Tôi mong muốn truyền thông hãy đi sâu hơn nữa, hãy có những phát hiện thực tế hơn nữa để vừa tuyên truyền nhân rộng nhưng đồng thời cũng có phản biện xác đáng để giúp cơ quan quản lý nhà nước, giúp cho Quốc hội, Chính phủ có những điều chỉnh kịp thời về mặt cơ chế chính sách. Từ đó tạo sự đồng thuận cao hơn, tạo ra một nguồn lực lớn cho xã hội và thực hiện được mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thưa quý vị và các bạn, trong khuôn khổ có hạn của chương trình, các vị khách mời đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích và thú vị. Tọa đàm “Giảm nghèo bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau” đến đây là kết thúc. Báo điện tử VietNamNet xin cảm ơn các vị khách mời đã dành thời gian tham dự chương trình.
Xin chào quý vị và các bạn, hẹn gặp lại trong các chương trình sau.
Trần Kiên, Thanh Bình, Duy Tiến, Nguyễn Vịnh, Nguyễn Thảo, Quang Thậm và nhóm PV