Tuyên Quang: Trao bò giống, tạo sinh kế cho 25 hộ nghèo, cận nghèo
Tạo sinh kế bền vững là hướng đi quan trọng, mang tính đòn bẩy giúp bà con thoát nghèo.
Xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hiện có 7 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Cao Lan, Nùng, Mông, Tày.
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, những năm qua các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh triển khai nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong đó, tạo sinh kế bền vững là hướng đi quan trọng, mang tính đòn bẩy giúp bà con thoát nghèo.
Sáng 9/8, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành tổ chức Lễ giao bò cái sinh sản của Dự án Liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Dự chương trình có ông Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo Ban Phong trào Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo huyện Sơn Dương, lãnh đạo xã Đông Thọ.
Tại chương trình, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã trao hỗ trợ cho 25 hộ dân là các hộ nghèo, hộ cận nghèo xã Đông Thọ. Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 2 con bò giống H’Mông để nuôi sinh sản, trong đó có 1 con bò đã phối giống hoặc 1 con bê đi kèm. Ngoài ra, mỗi hộ được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng để làm chuồng chăn nuôi bò.
Xã Đông Thọ là 1 trong 6 xã trên địa bàn tỉnh được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lựa chọn triển khai thực hiện Dự án Liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông giai đoạn 2023 – 2025, với tổng giá trị trên 5 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án nhằm hướng dẫn người nghèo cách làm ăn, hỗ trợ phát triển sản xuất góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho các hộ nghèo vùng khó khăn, tạo sinh kế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần thoát nghèo và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đồng thời, phát triển chăn nuôi giống bò H’Mông bản địa giúp bảo tồn nguồn gene, cải tạo giống bò H’Mông, hình thành vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu bò H’Mông. Đây là giống bò có thân hình cao to, cân đối, gần giống bò Shin đỏ. Màu lông chủ yếu là vàng tơ, một ít màu cánh gián. Mắt và lông mi hơi hoa vàng, xung quanh khóe mắt có màu vàng sáng rõ. Bò đực có u to, yếm rộng, đỉnh trán có u gồ.
Khối lượng bò sơ sinh đạt 15 - 16 kg/con, khối lượng bò trưởng thành đối với bò đực là 380 - 390 kg/con, bò cái là 250 - 270 kg/con. Thịt ngon, thơm và mềm thớ mịn. Bò H’Mông có 2 giống chính là bò có u cao to được nuôi phổ biến và bò u thấp được nuôi ít hơn. Bò u cao được nuôi nhiều bởi 2 lý do. Một là người dân sử dụng bò để cày kéo cần có u to để dễ đeo mai vào cổ bò khởi bị trượt khi cày bừa; hai là bò có u cao bán được giá hơn bò u thấp. Đây là đặc điểm được các thu gom, thương lái đưa ra khi thu mua bò.
Các hộ tham gia dự án còn được Hợp tác xã công nghệ cao Tiến Thành hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm bò.