Tuyên Quang: Phát huy vai trò của đảng viên trong giảm nghèo bền vững
Tại Tuyên Quang, nhiều đảng viên đã đóng vai trò tiên phong, gương mẫu về ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, từ đó truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm, phương thức làm ăn để giúp đỡ bà con ở địa phương.
Những năm qua, việc triển khai tổ chức thực hiện kịp thời các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã tác động mạnh mẽ, giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc nói riêng, của người dân trong tỉnh nói chung dần được cải thiện.
Để đạt được thành quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, lãnh đạo các cấp, sự đồng lòng, chung tay của các tổ chức chính trị xã hội cũng như sự hưởng ứng của người dân… Trong đó, đặc biệt, nhiều đảng viên đã đóng vai trò tiên phong, gương mẫu về ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo.

Những tấm gương đảng viên nỗ lực vươn lên thoát nghèo
Trước đây, thôn Nà Noong, xã Năng Khả (Na Hang) có 100 hộ dân thì có đến 90% là hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Quanh năm cuộc sống chật vật vì người dân chưa biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo, một số nhỏ còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước... Mặc dù chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi được phổ biến nhưng nhiều người chưa sử dụng đúng mục đích, dẫn đến nợ vẫn nợ, nghèo càng nghèo thêm.
Qua tuyên truyền và vận động của địa phương, nhiều đảng viên trong xã đã tự vươn lên làm kinh tế, truyền cảm hứng cho các hộ khác họ tập, noi theo.
Ở tuổi 70, ông Nông Văn Lương vẫn là một đảng viên năng nổ với hơn 40 năm tuổi Đảng. Từ diện tích đất rừng hơn 3ha của gia đình, ông mạnh dạn vay vốn, đầu tư trồng và chăm sóc rừng. Ngoài ra ông tăng số lượng đàn trâu từ 4 con lên hơn 10 con, đàn lợn từ 10 con lên 60 con rồi 100 con để nuôi theo quy mô gia trại. Thay vì chăn nuôi truyền thống thả rông, nhỏ lẻ ông xây dựng chuồng trại quy mô, sạch sẽ, áp dụng công nghệ kỹ thuật. Ngoài ra còn có sự tham vấn của chuyên gia về nông nghiệp ở địa phương…
Việc chăn nuôi quy mô lớn, giao dịch mua bán tại nhà đã giúp cuộc sống của ông khấm khá, mua được xe máy, điều kiện vật chất tốt hơn, kinh tế khá giả, được nhiều hộ tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.
Đến nay, toàn thôn Nà Noong có 135 hộ dân thì có 90 hộ gia đình đều có từ 2 - 5 con trâu, nhiều hộ phát triển chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn. 10 hộ gia đình có mức thu nhập trung bình từ 70 - 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn Nà Noong đã giảm từ 80% năm 2014 xuống còn 20% vào năm 2021 theo chuẩn nghèo mới.
Một gương sáng khác trong việc làm kinh tế giỏi, thúc đẩy giảm nghèo là gia đình đảng viên Nguyễn Đình Cư ở xã Tân Tiến (Yên Sơn). Nhờ mạnh dạn đầu tư trồng rừng, cây ăn quả có múi và nuôi ong lấy mật, anh đã thoát nghèo bền vững, xây được căn nhà 3 tầng khang trang. Hiện, thu nhập gia đình anh mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng. Gia đình anh đã trở thành "địa chỉ tin cậy" để các hộ gia đình trong thôn đến tìm hiểu mô hình, học tập và làm theo, đặc biệt là phát triển mô hình nuôi ong lấy mật.
Nghề nuôi ong lấy mật đã được người dân trong địa bàn triển khai nhiều năm nay. Tuy nhiên, cách chăm sóc và nuôi chưa khoa học, hiệu quả không cao nên phải bỏ giữa chừng. Năm 2020, anh Cư thành lập Chi hội nghề nghiệp nuôi ong Núi Lĩnh. Đến nay, Chi hội có 12 thành viên trực tiếp sản xuất và đang giúp đỡ cho 12 thành viên khác xây dựng mô hình.
Chi hội ngoài giao lưu về kỹ thuật nuôi ong, hỗ trợ các hội viên thuộc hộ nghèo cách nuôi, vốn… tìm đầu ra ổn định còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tinh thần, nâng cao dân trí. Tính đến thời điểm này, nhiều hộ tham gia chi hội đã tự lực kinh tế, ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Theo báo cáo UBND tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh có 50.033 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 23,45% và 16.749 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 7,85% (chiếu theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022-2025).
Số hộ nghèo chủ yếu tập trung tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, các huyện Lâm Bình, Na Hang có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với tỷ lệ 37,32%; 163 hộ nghèo thuộc diện chính sách người có công với cách mạng, chiếm tỷ lệ 0,33% so với tổng số hộ nghèo. Tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân trên 3%/năm.
Thời gian tới, một trong số các giải pháp mà tỉnh đẩy mạnh là tiếp tục nhân rộng các mô hình đảng viên thoát nghèo trên địa bàn. Bởi việc thực hiện giảm nghèo trong đảng viên thành công là cách đảng viên nêu gương tốt nhất, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh cũng như thúc đẩy công tác giảm nghèo chung của tỉnh.
Ngọc Cương, Thục Anh, Lệ Yên