Thoát nghèo từ trồng rừng kết hợp với chăn nuôi
Từ chỗ phải chịu cảnh “bữa đói, bữa no”, đến nay, nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu đã xuất hiện ở các bản người Rục tại Quảng Bình nhờ biết làm chủ cánh đồng, chăn nuôi và trồng rừng ngay trên mảnh đất họ sinh sống.
Người Rục là một trong những bộ tộc bí ẩn nhất thế giới và cũng là “em út” trong số 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Năm 1959, khi được phát hiện trong hang đá thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, họ gồm 11 hộ với 34 người, sống bằng săn bắn và hái lượm. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, hàng trăm người đã được giúp đỡ hòa nhập cộng đồng.
Năm 2019, gia đình anh Cao Xuân Lực và chị Cao Thị Liên ở bản Ón, xã Thượng Hóa, xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Từ đó đến nay, nhiều hộ gia đình khác như Trần Xuân Vinh (bản Ón), Cao Xuân Nhạc, Hồ Pứa (bản Mò O Ồ Ồ)… cũng viết giấy đề nghị xét duyệt “thoát nghèo”.

Đồng hành cùng đồng bào dân tộc
Ông Đinh Thanh Văn, Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi khoe: những ngày mới hòa nhập với cộng đồng, người Rục lạ lẫm với tất cả. Nhà nước đã đầu tư dự án làm đường, xây dựng trường học, trạm y tế và làm nhà ở cho họ. Bộ đội Biên phòng sát cánh bên họ, dạy cho họ cách “làm nông” ổn định cuộc sống…
Khi nhận đơn của anh Lực, anh Vinh, anh Nhạc, anh Pứa, tuy có chút bất ngờ nhưng ông Văn không lạ, vì đây là các hộ biết làm kinh tế, bước đầu tạo được nguồn thu để trang trải cuộc sống. Ông Văn tin rằng, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước và ý thức vươn lên thoát nghèo của bà con, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương sẽ giảm ngày càng sâu trong thời gian tới.
Người Rục có được ngày hôm nay cũng là nhờ họ đã được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và các chiến sĩ bộ đội biên phòng quan tâm chăm lo. Hàng chục năm nay, cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng Cà Xèng luôn đồng hành cùng họ, dạy họ cách trồng lúa nước, từ cách làm đất đến bón phân, ủ giống, gieo mạ, chăm sóc đến thu hoạch lúa. Nhiều mô hình, đề án góp phần nâng cao nhận thức người dân địa phương, tạo sinh kế, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần được triển khai đồng bộ như “Mô hình vườn mẫu”, “Lớp học xóa mù”, “Con nuôi đồn biên phòng” hay “Ánh sáng vùng biên” đã giúp ích rất nhiều cho họ.
Ông Đinh Thanh Văn cho biết, xã luôn rà soát từng tiêu chí của các hộ nghèo để phân loại các nhóm đối tượng nghèo và đưa ra chính sách trợ giúp phù hợp. Xã cũng tăng dần hỗ trợ phát triển sản xuất, thực hiện một số cách làm cụ thể, đồng hành cùng người Rục như giúp họ mua phương tiện, cây, con giống, khuyến khích họ vươn lên thoát nghèo bền vững và giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không đối với một số nhóm đối tượng. Quỹ hỗ trợ sản xuất của chương trình xây dựng nông thôn mới, vay vốn sau khi thoát nghèo cũng là một trong những động lực để người Rục thêm tự tin thoát nghèo bền vững. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, người dân không chỉ đủ gạo ăn cả năm mà còn có tiền dự trữ và chăn nuôi gà, lợn.
Phong trào tự lực vươn lên
Cao Xuân Lực, Trần Xuân Vinh, Cao Xuân Nhạc, Hồ Pứa đều thuộc thế hệ người Rục thứ hai sau khi được vận động, giúp đỡ rời hang đá. Dù chưa hết khó khăn, nhưng họ đã nhận thức được rằng, nếu muốn thay đổi hiện tại cần tự tạo lập và vươn lên. Có như vậy cuộc sống mới ổn định chứ không thể trông chờ mãi vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Kể về hành trình thoát nghèo của mình, anh Cao Xuân Lực chia sẻ rằng trước kia, cái nghèo đeo bám khiến cuộc sống gia đình anh luôn trong cảnh thiếu thốn. Có lúc, anh sợ thoát nghèo thì những khoản trợ cấp sẽ không còn. Nhưng giờ đây cuộc sống của anh đã khá lên rất nhiều nên anh viết đơn ra khỏi hộ nghèo, để dành phần chế độ hỗ trợ của Nhà nước cho gia đình khó khăn hơn. Gia đình anh hiện có 3 ha rừng, 5 con trâu, bò và nhiều lợn, gà. Trong thời gian tới, anh sẽ tập trung vốn để trồng thêm cây công nghiệp và nuôi bò.
Những năm gần đây, thế hệ trẻ người Rục đã từng bước nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế của việc trồng rừng kết hợp với chăn nuôi ngay trên mảnh đất họ sinh sống. Ở các bản vùng đồng bào Rục, bà con đã trồng được 118 ha rừng và duy trì đàn trâu, bò trên 400 con. Phong trào tự lực vươn lên thoát nghèo được thể hiện rõ nét. Những lá đơn xin thoát nghèo chính là tiếng nói, minh chứng cho sự thay đổi cuộc sống và nhận thức của người dân.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ bà con phát triển trồng rừng kết hợp chăn nuôi để bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài”, ông Đinh Thanh Văn, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa khẳng định.
Tuy chặng đường xóa nghèo phía trước còn nhiều khó khăn nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, công cuộc xóa nghèo ở các bản người Rục mà tỉnh Quảng Bình đang triển khai sẽ sớm về đích.
Tuấn Anh, Hoàng Giang, Bích Hạnh