Thanh Hóa: Trở thành một cực tăng trưởng mới để đời sống người dân tốt hơn
Các thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới đã góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Từ đó, kinh tế nông thôn sẽ có bước phát triển tốt, thu nhập và đời sống của nhân dân nâng lên.
Bản Bơn, xã Mường Mìn, huyện vùng cao biên giới Quan Hóa 5 năm trước còn là một bản khó khăn nhất của xã. Đường giao thông nông thôn 100% là đường đất, mưa xuống mặt đường trơn trượt. Vệ sinh môi trường không được người dân quan tâm nên vốn đã nghèo càng thêm khó.
Ông Lương Văn Thủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Mường Mình nhớ lại, trong ngày hội Đại đoàn kết, người dân tổ chức giao lưu văn nghệ với nhau, ông đúc kết ra kinh nghiệm để giải thích cho nhân dân rằng nông thôn mới là từ những cái cụ thể, đường giao thông sạch sẽ, đời sống vật chất, tinh thần người dân tăng lên.... tất cả gắn liền với quyền lợi của dân.
Ông tâm sự, cũng chỉ biết giải thích với bà con nông thôn mới là như thế. Ngôn từ mộc mạc nên người dân hiểu được, chính vì vậy họ hăng hái chung tay cùng nhau xây dựng nông thôn mới.
Năm 2015 bản Bơn được công nhận hoàn thành nông thôn mới. Đến nay đã là bản nông thôn mới kiểu mẫu. Từ khi được công nhận, diện mạo thôn bản đã thay đổi rõ rệt. Tất cả các ngõ của bản đều được bê tông hóa, vệ sinh môi trường được nâng lên. Đường làng, ngõ xóm, sân vườn, nhà vệ sinh sạch sẽ.
Không chỉ vậy, thu nhập của người dân tăng lên. Thu nhập bình quân đầu người trong bản hiện đạt 36 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo nào. Xã Mường Mìn có 5 bản, đến nay tất cả đã hoàn thành nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lê Đức Giang cho biết, hơn 5 năm qua, người dân được sống trong môi trường trong sạch. Đều đặn hàng tuần vào thứ 3 và thứ 7 người dân lại ra dọn vệ sinh tập thể giữ cho “nhà sạch – ngõ đẹp” như một nét văn hóa.
Cuối năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, với phương châm có nhiều thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ có xã miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản, đã giúp người dân khu vực miền núi phát huy vai trò chủ thể, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước. Các thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới đã góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới ở cấp xã. Từ đó, kinh tế nông thôn sẽ có bước phát triển tốt, thu nhập và đời sống của nhân dân nâng lên.
Tại phiên thảo luận của Quốc Hội ngày 22/10/2021 về việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ: “Đối với Thanh Hóa, sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần vào thăm Thanh Hóa, Người nói “Thanh Hóa đất rộng, người đông, của cải nhiều chỉ thiếu sự điều khiển, sắp đặt”.
Năm 2020, Thanh Hóa đã được Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 58 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vừa mới đây, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Đây là những dấu mốc rất quan trọng, mở đường cho Thanh Hóa phát triển trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác phát triển ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Hồng Vũ