Tái cơ cấu cây trồng giúp giảm nghèo hiệu quả ở Sơn Dương (Tuyên Quang)
Xác định nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 đã đi được nửa chặng đường. Với những giải pháp đa dạng, hiệu quả, thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đã thu được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn huyện.
![](https://static2-images.vnncdn.net/files/publish/2023/9/5/img-20230406-101926-503.jpg?width=0&s=zeoqFZZBte7XzZnv5v0i-A)
Tái cơ cấu cây trồng
Xác định nông nghiệp giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Sơn Dương đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hiện nông dân Sơn Dương đã và đang mạnh dạn chuyển đổi những nương ngô, nương lúa thiếu nước, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, gắn với liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định từ cây trồng tiềm năng này.
Đơn cử như gia đình chị Hoàng Thị Thập ở thôn Hoa Lũng, xã Đại Phú. Ngày trước, gia đình chị Thập chủ yếu dựa vào việc trồng ngô, lúa để sinh sống. Tuy nhiên, các loại cây này cho hiệu quả kinh tế không cao, con cái lại đến tuổi đi học, hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo.
Với ý chí vươn lên, chị đã tìm hiểu và tiên phong thực hiện chuyển đổi 0,7 ha đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường đã giúp gia đình chị bắt đầu có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế khá giả.
Trên diện tích 0,7 ha đất trồng dâu, một năm gia đình chị nuôi được 8 - 9 lứa. Với năng suất kén đạt khoảng 60 kg/lứa, sau khi trừ các chi phí cũng thu được gần 80 triệu đồng/năm, cao hơn khoảng 5- 6 lần so với trồng lúa, ngô.
Cũng triển khai chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang loại cây có giá trị kinh tế cao, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Văn Phú đang có chiều hướng giảm.
Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Văn Hiến, xã Văn Phú đã chuyển đổi 1h đất ruộng sang trồng dâu. Cây dâu rất hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, chỉ sau 6 tháng trồng dâu, gia đình anh đã nuôi được lứa tằm đầu tiên.
Ước tính, 1 ha dâu, bình quân mỗi tháng, gia đình anh nuôi 2 lứa, mỗi lứa 7 nong giống thu được gần 70 kg kén, với giá bán 100.000/kg kén vàng và 140.000 đồng/kg kén trắng, anh thu lãi hơn 14 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập ổn định không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo còn giúp anh tích lũy, có vốn để mở rộng sản xuất.
Tại thôn Khe Thuyền 3 và thôn Đồng Mụng, xã Văn Phú, người dân cũng đã thu được những hiệu quả từ việc trồng dâu, nuôi tằm.
Anh Cao Văn Bình, thôn Đồng Mụng trước đây từng băn khoăn khi được cán bộ khuyến nông tư vấn chuyển đổi sang loại cây mới, cải thiện kinh tế gia đình. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, thấy cây dâu phát triển tốt, lại được một doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, anh đã tự tin hơn. Anh tính, nếu nuôi 8 lứa tằm/năm sẽ hiệu quả gấp 2 - 3 lần trồng cây hoa màu khác.
Để nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, UBND huyện Sơn Dương đã khuyến khích nông dân xã Văn Phú, Trường Sinh, Ninh Lai tiên phong phát triển mô hình trồng dâu, nuôi tằm, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn huyện. Trong đó, việc liên kết với doanh nghiệp, ổn định đầu ra cho nông dân là vấn đề then chốt.
Hiện toàn huyện Sơn Dương có trên 30 hộ dân tham gia trồng dâu với diện tích gần 15 ha. Toàn bộ diện tích dâu tằm được một doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ. Tham gia liên kết, bà con được công ty hỗ trợ các khâu cung cấp giống tằm, lựa chọn giống dâu, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ ứng trước con giống, nông cụ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.
Theo ông Nguyễn Công Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương, với giá thu mua kén tằm trung bình 100.000-160.000 đồng/kg, doanh thu trồng dâu nuôi tằm đạt khoảng 240 triệu/ha/năm. Hiệu quả từ mô hình trồng dâu nuôi tằm, nông dân Sơn Dương đang từng bước tái cơ cấu cây trồng ngày một hiệu quả, nhiều gia đình có thu nhập cao, vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Giảm nghèo theo các nhóm nguyên nhân
Bên cạnh xây dựng các mô hình sinh kế, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp, huyện Sơn Dương cũng triển khai nhiều giải pháp thiết thực khác.
Sáu tháng đầu năm 2023, Ủy ban nhân huyện, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các giải pháp giảm nghèo theo các nhóm nguyên nhân chính, giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế, giảm bớt khó khăn trong sinh hoạt và đời sống, tạo cơ hội cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, huyện đã cho 561 hộ nghèo vay vốn với tổng số tiền trên 31 tỷ đồng và 241 hộ cận nghèo vay vốn tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng để phát triển sản xuất, lao động; cho vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm 167 dự án, giải quyết việc làm cho 461 lao động, doanh số cho vay trên 8 tỷ đồng.
Các chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản được thực hiện đồng bộ, hiệu quả như: hỗ trợ kinh phí học tập cho gần 14 nghìn trẻ em mẫu giáo và học sinh vùng khó khăn, thuộc hộ nghèo, tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng; thực hiện cấp trên 44.000 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng nghèo, cận nghèo, người dân ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiền điện trong quý I/2023 cho trên 9.000 lượt hộ nghèo, tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng.
Tính đến tháng 6/2023, huyện đã huy động hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho 112 hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 5,3 tỷ đồng.
Về mặt việc làm, huyện nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề.
Bên cạnh đó, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó quan tâm đến các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình thiếu đất sản xuất.... nhằm tạo cơ hội cho người lao động có cơ hội tìm việc làm, đi làm việc ở các nhà máy, các khu công nghiệp trong tỉnh, trong nước, góp phần nâng cao thu nhập và hạn chế phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Triển khai thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với phương án, dự án vay vốn khả thi, sử dụng nhiều lao động và cho vay đối với đối tượng là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, lao động là người dân tộc thiểu số.
Phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Sơn Dương sẽ tạo việc làm cho trên 16.700 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; đưa trên 7.500 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi làm việc ở ngoài tỉnh; góp phần giảm số hộ nghèo có chỉ số thiếu hụt về việc làm xuống còn dưới 15% vào cuối năm 2025.