Xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo, tạo nguồn lao động chất lượng cao
Chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh; giúp người lao động tiếp cận phương pháp làm việc khoa học, phương thức sản xuất tiên tiến...
Nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội; đồng thời đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều giải pháp để công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả thiết thực nhất.
Không chỉ tạo việc làm, cải thiện thu nhập
Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Đề án số 10/ĐA-UBND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc… theo hợp đồng; tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (TQ) từ ngân sách tỉnh, giai đoạn 2019 - 2021.
Theo tổng kết, giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có 557 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó hộ nghèo 8 người, hộ cận nghèo 4 người, dân tộc Khmer 98 người...); 134 học sinh, sinh viên tham gia Chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (TQ).
Triển khai Đề án, ngân sách tỉnh đã phân bổ 31,3 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh để thực hiện.
Tính đến cuối tháng 6/2022, Chi nhánh ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện cho vay 60 người xuất khẩu lao động với số tiền trên 4,2 tỷ đồng; thực hiện cho vay đối với 72 trường hợp học sinh, sinh viên tham gia Chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (TQ) với số tiền 3,4 tỷ đồng.
Chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã giúp người lao động từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống hộ gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, giúp người lao động tiếp cận phương pháp làm việc khoa học và phương thức sản xuất tiên tiến, thông thạo ngoại ngữ, tạo nguồn lao động chất lượng cao.
Tùy theo từng thị trường lao động, thu nhập bình quân của người lao động dao động từ 15 - 25 triệu đồng/tháng. Trong đó, người lao động đi làm việc ở Đài Loan (TQ) thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng; Nhật Bản, Hàn Quốc khoảng 20 - 25 triệu đồng/tháng.
Hàng năm, người lao động tích lũy được khoảng 240 triệu đồng (chưa bao gồm tiền làm thêm giờ); từ đó, đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, có tiền gửi về gia đình sửa chữa, xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, sau khi trở về địa phương, người lao động có trình độ nghề nhất định, có thể tham gia làm việc tại các doanh nghiệp trong nước.
Không chỉ vậy, khi người lao động có việc làm ổn định, thu nhập cao sẽ hạn chế phát sinh các vấn đề tệ nạn xã hội, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
Đối với học sinh tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (TQ), học sinh tự lực được chi phí học tập, giảm gánh nặng tài chính cho gia đình trong việc học tập (bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng/người). Mặt khác, các em vừa có cơ hội tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến ở nước ngoài, vừa được rèn luyện kỹ năng thực hành tốt.
Từ đó, tỉnh sẽ có thêm nguồn lao động chất lượng cao, có kỹ năng thực hành tốt, đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; góp phần thực hiện hoàn thành Đề án Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.
Tháo gỡ khó khăn, tồn tại
Năm 2022, toàn tỉnh đã có 228 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 103,64% kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất khẩu lao động cũng còn một số tồn tại.
Chẳng hạn, công tác tuyên truyền tuy được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, nhưng chưa thường xuyên và sâu rộng.
Kết quả triển khai thực hiện Đề án số 10 chưa đạt yêu cầu đề ra. Số người được hỗ trợ vay vốn đạt thấp (đạt 15,53%); nguồn vốn thực hiện chính sách chưa được hiệu quả, tỷ lệ cho vay đạt thấp (chương trình cho vay đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 43,62%; chương trình cho vay du học sinh đạt 17,24%). Mức hỗ trợ vốn vay chương trình du học sinh còn thấp so với nhu cầu thực tế (tối đa 50 triệu đồng/người)…
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nước phải tạm dừng hoặc giảm quy mô tiếp nhận lao động; mặt khác, người lao động lo ngại dịch bệnh nên chưa tham gia.
Một điểm nữa là việc thực hiện chính sách có phạm vi giới hạn tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ)... Do đó, người lao động hoặc du học sinh có nhu cầu đi làm việc, học tập ở các nước khác chưa được hỗ trợ.
Trước thực tế này, tỉnh Sóc Trăng sẽ có những giải pháp tháo gỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng và phát huy chính sách đạt hiệu quả cao nhất.
Theo đó, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp người dân nắm rõ hơn chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ để tích cực tham gia.
Sở LĐTBXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách mới, cũng như xử lý nguồn kinh phí hiện còn tồn đọng; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong tư vấn, giới thiệu, hướng nghiệp cho học sinh, tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh tham gia du học theo hình thức vừa học, vừa làm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo rà soát, nắm bắt nhu cầu du học, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giúp người lao động, học sinh có cơ hội học tập, lao động, thu nhập tốt hơn.
Ngân hàng CSXH phối hợp, xem xét tạo điều kiện về trình tự, thủ tục để người lao động, học sinh tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn…
Mạnh Hưng, Ngọc Trang, Duy Tuấn