Sóc Trăng: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Tỉnh Sóc Trăng tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp thực hiện công tác chăm lo, phát triển kinh tế, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào.
Đến cuối năm 2022, Sóc Trăng đã giảm được 7.270 hộ nghèo (tương đương giảm 2,19%). Cũng trong năm 2022, tỉnh giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; 758 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, tỉnh có 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 89,66%...
Thông qua việc triển khai Chương trình giảm nghèo, đời sống người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã giải ngân được trên 25 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn, tổ chức đào tạo nghề. Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giải quyết việc làm. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin…
Tỉnh đã vận dụng hiệu quả công tác xã hội hóa để xây dựng được gần 3.500 căn nhà với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn về nhà ở. Từ đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 52,59%.
Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo trên địa bàn đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sóc Trăng. Chính quyền cấp, đoàn thể tại các địa phương tham gia tích cực vào thực hiện công tác giảm nghèo, qua đó, xuất hiện các địa phương, cá nhân, mô hình điển hình tiên tiên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Tiêu biểu là thị xã Vĩnh Châu. Đây là địa phương vùng ven biển phía Nam của tỉnh Sóc Trăng, với 43 km bờ biển, diện tích tự nhiên 47.313,32 ha; có 06 xã và 04 phường, với 97 ấp, khóm. Việc triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia được thị xã chấp hành nghiêm túc, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và liên tục.
Hiện nay, thị xã có 100% xã, phường có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông hóa, 63% ấp, khóm có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố. 98,9% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp (trong đó hộ dân tộc Khmer là 22.051 điện kế, đạt 99%).
Gần 99% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh. Các chính sách được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Tỷ lệ hộ thoát nghèo hằng năm giảm từ 3 - 4 %. Giải quyết kịp thời các chế độ chính sách, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng và các khoản phụ cấp khác bình quân hàng năm trên 15 tỷ đồng cho 902 người đang hưởng. Chi trợ cấp hàng tháng cho 3.000 người cao tuổi và 1.800 người khuyết tật, với kinh phí thực hiện 19 tỷ 500 triệu đồng.
Công tác đào tạo nghề được chú trọng và được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho 3.868 lao động, đạt 128,93%, trong đó có 140 lao động làm việc tại nước ngoài, đạt 93,33%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 40%, đạt 66,67%, góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở nông thôn.
Công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện. Hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đến nay, thị xã có 10/10 trạm y tế xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế có bác sĩ. Tính đến thời điểm hiện tại, đã gia hạn và cấp phát được 107.429 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 93,44%.
Tại thị xã Ngã Năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho hội viên phụ nữ thông qua việc hỗ trợ cho hội viên xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế.
Thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã hoặc thông qua mô hình tiết kiệm của Chi bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã hỗ trợ cho nhiều hội viên vay vốn làm kinh tế hiệu quả như mô hình trồng sen, nuôi vịt xiêm, nuôi lươn, trồng nấm rơm...
Chị Dương Thu Hương ở khóm 3, phường 1, thị xã Ngã Năm là tấm gương điển hình trong làm giàu trên mảnh đất quê hương nhờ công việc thâm canh sen. Những ruộng sen đã giúp chị cải thiện kinh tế gia đình, con cái có điều kiện ăn học, xây lại ngôi nhà mới.
Chị Hương có hoàn cảnh khá đặc biệt, chồng đau ốm nên chị thành trụ cột kinh tế chính. Trước đây, cuộc sống gia đình rất khổ cực, chủ yếu chị đi làm thuê và chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy vậy, thu nhập không đủ để trang trải thuốc men cho chồng, sinh hoạt của cả nhà. Nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn và khích lệ của các cơ quan, đoàn thể địa phương, cách đây gần 2 năm, chị mạnh dạn vay vốn chính sách xã hội, thuê đất ruộng, cải tạo rồi trồng sen. Khi đến mùa, ngoài hoa, chị bán củ sen, hạt sen…
Một tấm gương khác trong phát triển chăn nuôi ở thị xã Ngã Năm, thoát nghèo là chị Nguyễn Thị Long, xã Long Bình. Với mô hình vịt xiêm Pháp, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.
Năm 2023, chị nuôi thí điểm 100 con vịt xiêm Pháp theo hướng an toàn sinh học. Để đàn vịt khỏe mạnh, phát triển đồng đều, chị phân loại các lứa vịt, nuôi ở chuồng riêng, thường xuyên vệ sinh khu nuôi nhốt. Với phương pháp này, người nuôi sẽ hạn chế dùng các loại thuốc kháng sinh, thay vào đó dùng các loại thảo mộc để tăng đề kháng cho đàn.
Sau 3 tháng, trừ chi phí, chị thu lợi nhuận được gần 9 triệu đồng. Từ những kinh nghiệm tích lũy được cùng sự đồng hành của cán bộ khuyến nông, chị bắt đầu tăng đàn lên 300 con và đến nay, đàn vịt nhà chị khoảng hơn 1.000 con. Chị nuôi gối vụ nên tháng nào cũng có vịt xuất chuồng, trung bình thu lãi 80 triệu đồng/năm từ nuôi vịt.
Theo ông Lý Rotha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, tỉnh đã tập trung triển khai trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đa chiều.
Là cơ quan được giao làm cơ quan thường trực, triển khai tổ chức thực hiện, đến nay, Ban Dân tộc đã triển khai hơn 100 công trình giao thông nông thôn, nguồn nước tập trung, lộ, cầu, một số nội dung khác như hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển sinh kế. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Bà con là đối tượng thụ hưởng rất vui mừng, phấn khởi.
“Thời gian qua, tỉnh đã và đang huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là các chính sách vùng dân tộc.
Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương đã từng bước mang lại lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân. Đặc biệt, nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, từ đó, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo”, ông Lý Rotha nói.