Số hoá nông nghiệp nâng cao giá trị nông sản, giúp người dân thoát nghèo
Tận dụng lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng công nghệ vào để nâng cao giá trị nông sản, nhờ đó nhiều gia đình nghèo đã vươn lên thoát nghèo.
Với diện tích đất nông nghiệp lớn, hiện có 43.000 ha, khí hậu khá thích hợp cho nhiều loại nông sản, huyện Sông Hinh là một trong những địa phương của Phú Yên có tiềm năng sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, những năm gần đây, huyện đã từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vận dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị của nông sản địa phương.
Thời gian qua địa phương đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, trong đó phải kể đến việc xây dựng vùng trồng chuyên canh các loại cây ăn trái theo chuẩn nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP, từ đó ứng dụng công nghệ để quảng bá sản phẩm, đưa lên sàn giao dịch điện tử để tiêu thụ trên thị trường, nhờ vậy, các sản phẩm nông nghiệp của huyện thời gian qua được tiêu thụ thuận lợi, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân, nhất là những hộ nghèo.
Năm 2015, ông Nguyễn Trọng Sơn ở xã Ea Bar quyết định chuyển đổi 5ha đất rẫy đang trồng sắn mì, keo để trồng cây ăn quả các loại như tiêu, cà phê, nhãn, sầu riêng… Đến nay, toàn bộ khu rẫy chuyển đổi của ông Sơn đã đến ngày “hái quả ngọt”, không chỉ ngày càng phát triển mà còn đem lại thu nhập tốt cho gia đình. Mỗi năm, trung bình gia đình ông thu từ rẫy khoảng 200-250 triệu đồng.
Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Hiền ở xã Ea Ly, cũng nhờ mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích sản xuất cho năng xuất thấp, sang chuyên canh 90 gốc sầu riêng giống Monthong và Ri.6 hạt lép. Sau 7 năm, gia đình bà Hiền bắt đầu có thu nhập cao và ổn định, mỗi năm thu khoảng hơn 200 triệu đồng từ diện tích trồng sầu riêng.
Những năm trước, huyện Sông Hinh là địa phương có điểm xuất phát thấp, tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, đời sống của bà con trong huyện đã dần thay đổi, nhất là ở vùng DTTS và miền núi, nhờ vào sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng các mô hình nông nghệp có giá trị kinh tế cao như ông Sơn, bà Hiền, và nhiều người khác nữa…
Hiện nay, huyện có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như: Cam sành, cam V2, sản phẩm bưởi da xanh và sản phẩm bò một nắng, Gà ủ muối Hùng Miên, hạt Macca Thi Nga và nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn, xanh, sạch như sầu riêng, chôm chôm, vải, nhãn... từng bước khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm từ đó nâng cao đời sống vật chất, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Nhờ đó, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 2,3%, thu nhập đầu người tăng lên 43 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2013; văn hóa, tinh thần người dân ngày càng tiến bộ, an ninh, chính trị được giữ vững ổn định…
Theo kết quả điều tra, rà soát năm 2022, số hộ nghèo toàn huyện là 1.839 hộ, chiếm 13,3%; cận nghèo 2.515 hộ, chiếm 18,2%. Đến giữa năm 2023, huyện còn 1.521 hộ nghèo, chiếm 11%; 2.442 hộ cận nghèo, chiếm 17,6% tổng số hộ dân toàn huyện.
Huyện Sông Hinh đang hướng tới giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2% vào cuối năm 2025, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm.
Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện đã đề ra kế hoạch tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành những vùng chuyên canh với tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, đồng thời vận dụng chuyển đổi số để quảng bá nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương, từ đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.