Quang Bình: Đổi đời nhờ biết tận dụng mặt nước lòng hồ thủy điện
Khai thác lợi thế từ hồ Thủy điện sông Chừng (Quang Bình, Hà Giang), mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ từng bước cho hiệu quả kinh tế và tạo thu nhập giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Quang Bình là huyện vùng thấp ở phía Tây Nam của tỉnh Hà Giang, nơi có nhà máy Thủy điện sông Chừng.
Vùng lòng hồ thủy điện rộng trên 225 ha, trải dài 15 kmk trên địa phận xã Tân Bắc, Tân Nam (Quang Bình). Khi nhà máy ngăn đập, đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn, mực nước ổn định, có giá trị rất lớn và phù hợp phát triển nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản….
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh vùng lòng hồ thủy điện, Công ty đã phối hợp với huyện Quang Bình, hỗ trợ thành lập HTX trồng rừng và nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, xã viên là những hộ dân có đất canh tác nằm trong vùng lòng hồ.
Việc thành lập HTX nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, đã mở ra cơ hội mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đến nay, trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng, có hơn 100 lồng nuôi cá của 1 hợp tác xã và 7 hộ gia đình. Trong đó, chủ yếu là cá lăng, cá rô phi đơn tính, cá Trắm đen... Mỗi lồng nuôi cá cho trung bình 1,5 tấn/lứa, tương đương sản lượng 300 tấn/năm, đem về giá trị kinh tế 15 tỷ đồng.
Ông Đinh Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản sông Chừng cho biết, từ năm 2018 đến nay, riêng hợp tác xã của ông Sơn đã đầu tư 81 lồng nuôi cá.
“Hiện nay, chúng tôi đang nuôi một số loại cá lăng, các chép giòn, cá chiên… đều là loài cá quý hiếm, sống hoang dã có lượng thịt thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên có giá bán rất cao”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, từ khi học tập, áp dụng được mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện thì kinh tế gia đình càng càng khấm khá.
“Nguồn thu nhập từ việc nuôi cá khá tốt, cuộc sống gia đình được cải thiện hơn nhiều so với trước kia chúng tôi chỉ làm ruộng và chăn nuôi gia súc, gia cầm”, ông Đinh Văn Sơn chia sẻ.
Chị Triệu Thị Mai- thành viên của hợp tác xã, kể, trước kia, một năm gia đình chị chỉ thu nhập được khoảng 30 triệu đồng nhờ làm ruộng và nuôi gà. Từ khi tham gia vào hợp tác xã, riêng một mình chị đã thu nhập vào khoảng 5-7 triệu đồng/tháng.
“Tôi được học các kỹ thuật để nuôi, chăm sóc các loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao nên mức thu nhập nâng lên rõ rệt”, chị Mai cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quang Bình cho biết, từ khi thủy đi vào hoạt động, huyện đã chuyển đổi nghề nghiệp cho 68 hộ dân có đất bị thu hồi để làm thủy điện.
Những hộ dân này được chuyển đổi nghề sang đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Vừa làm nhiệm khai thác tiềm năng của lòng hồ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trung bình thu nhập của một người dân, một tháng dao động từ 5-7 triệu đồng, thậm chí có người thu nhập hơn 15 triệu/tháng.
Thời gian qua, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện sông Chừng đã phát huy hiệu quả về kinh tế, giúp nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, về quy mô lồng nuôi chưa được lớn như các vùng khác, kinh nghiệm nuôi trồng của bà con còn hạn chế.
Thời gian tới, huyện sẽ có kế hoạch hỗ trợ bà con vay vốn, hỗ trợ con giống cũng như quy trình kỹ thuật để mô hình tiếp tục được nhân rộng.
Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ, huyện Quang Bình đang và đang tiến hành khảo sát, đánh giá, xúc tiến, quảng bá mô hình du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện.
Tới nay, một số hoạt động du lịch đã và đang dần hình thành như: Du thuyền thưởng ngoạn ngắm cảnh lòng hồ; tham gia đánh bắt cá cùng người dân; thắp hương đình Bản Chún; tổ chức lễ hội đua thuyền thường niên.
Để việc khai thác lợi thế mặt nước lòng hồ thủy điện bài bản, bền vững, huyện Quang Bình đang “dọn mình” xây dựng các chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực, mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án nuôi trồng thủy sản gắn với thúc đẩy phát triển du lịch vùng lòng hồ.
Đây là hướng đi dài hơi, nhờ tạo sự liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản và phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng….