Phú Thọ giảm nghèo thông tin nhờ tích cực phủ sóng 3G, 4G, internet băng rộng
Đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được phủ sóng 3G, 4G đảm bảo cung cấp kết nối mạng mọi lúc, mọi nơi; 100% xã, phường, thị trấn có internet băng rộng cáp quang.
Đầu tư hạ tầng đồng bộ
Để triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo thông tin hiệu quả, thời gian qua các tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 8 trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới phải đáp ứng 4 điều kiện về thông tin và truyền thông thuộc tiêu chí số 8, gồm: có điểm phục vụ bưu chính; dịch vụ viễn thông, internet; đài truyền thanh và hệ thống loa đến các khu; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành.
Nhờ đó ở nhiều nơi đã dần hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, lưu ý đến hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông phải đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn thông tin theo quy định của pháp luật và phải được kết nối trực tiếp đến hệ thống thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu đánh giá hoạt động thông tin cơ sở để nhận nội dung phát thanh.
Cùng với đó, các bảng thông tin điện tử công cộng đặt tại các địa điểm thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin được kết nối với hệ thống thông tin nguồn. Hệ thống bảng thông tin điện tử công cộng hiển thị nội dung số; kết nối với hệ thống thống thông tin nguồn và thu thập, tổng hợp, phân tích, quản lý dữ liệu đánh giá hoạt động thông tin cơ sở để lấy nội dung hiển thị thông qua Internet hoặc mạng viễn thông.
Việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý phụ trách về công nghệ thông tin và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở các cấp về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý, vận hành thiết bị kỹ thuật cũng được quan tâm đúng mức để mục tiêu giảm nghèo thông tin đi vào thực chất, bền vững.
Ấn tượng giảm nghèo thông tin ở Phú Thọ
Tại Phú Thọ, khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn bắt đầu triển khai năm 2009, trên địa bàn tỉnh chỉ có 60 máy điện thoại/100 dân; 4 thuê bao internet/100 dân; hạ tầng internet mới được triển khai ở trung tâm một số xã trong tỉnh; hầu hết các xã khó khăn, xã vùng sâu, vùng xa chưa có internet.
Đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã được phủ sóng 3G, 4G đảm bảo cung cấp kết nối mạng mọi lúc, mọi nơi; 100% xã, phường, thị trấn có internet băng rộng cáp quang. Hệ thống đài truyền thanh cơ sở từng bước được hiện đại hóa đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền đến nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 277 điểm phục vụ bưu chính, chuyển phát, trong đó có 243 điểm bưu điện văn hóa xã; mạng lưới giao dịch bưu chính được mở rộng tới cơ sở giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ. 100% UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh đã được trang bị máy tính, máy in, kết nối mạng nội bộ và internet; 100% các xã đều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.
Cùng với đó, Đề án số hóa truyền hình được triển khai lắp đặt 52.226 đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc 13 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh góp phần hỗ trợ cho các hộ dân được cập nhật thông tin chính thống qua truyền hình, đảm bảo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều.
Nhằm thực hiện tiêu chí số 8, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo các nội dung thuộc tiêu chí số 8 tại các huyện và cơ sở. Chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, triển khai thực hiện tiêu chí có hiệu quả. Ngoài sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tại cơ sở. Hằng năm, Sở tổ chức tập huấn cho các cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở, cán bộ công tác tại bộ phận Một cửa về sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, chữ ký số, dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến.
Lang Sơn (huyện Hạ Hòa) là xã miền núi chủ yếu sản xuất nông nghiệp có ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế. Năm 2011, khi triển khai xây dựng NTM, toàn xã mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Nhiều tiêu chí còn gặp nhiều khó khăn như: Giao thông, môi trường, thu nhập, hộ nghèo, thông tin và truyền thông…
Ông Phạm Văn Lường - Chủ tịch UBND xã Lang Sơn cho biết: Lang Sơn là xã khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên khó huy động các khoản đóng góp để đầu tư Đài truyền thanh và hệ thống loa đến các khu dân cư. Trước thực tế trên, Đảng bộ và chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch theo từng năm, ưu tiên thứ tự trong thực hiện Bộ tiêu chí NTM, trong đó ưu tiên đầu tư tiêu chí số 8. Đặc biệt, trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người dân được cung cấp thêm rất nhiều thông tin hữu ích để phòng, chống dịch bệnh từ hệ thống loa truyền thanh.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của Sở Thông tin và Truyền thông và huyện Hạ Hòa, đến nay 5/5 khu dân cư được đầu tư mới 7 cụm loa, 1 đài hữu tuyến hoạt động hiệu quả. Xã cũng được trang bị máy tính, máy in kết nối mạng nội bộ, đồng thời sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành góp phần xử lý công việc thuận lợi, tiết kiệm chi phí.
Thanh Thủy, Ngân Phương, Hồng Kiên, Hoàng Hiệp, Tuấn Kiệt