Nghĩa Thuận giảm nghèo nhờ phát triển mô hình kinh tế hiệu quả
Đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân xã Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Nghĩa Thuận là xã vùng cao biên giới của huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Trên địa bàn xã có 7 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông và Nùng chiếm 90%. Toàn xã có 9 thôn, với 5 thôn giáp biên giới.
Thời gian qua, xã Nghĩa Thuận đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm. Thực tế cho thấy, những kết quả đáng kể trong công tác giảm nghèo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ và nhân dân.
Các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm bố trí ngân sách và tổ chức thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo đã giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh các tiêu chí về nhà ở, nước sạch, giáo dục, việc làm, xã Nghĩa Thuận đẩy mạnh nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân thông qua các hoạt động kinh tế.
Hàng năm, xã đưa ra những chỉ tiêu và kế hoạch phát triển cụ thể cho từng loại cây trồng, vật nuôi. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi đất trồng ngô kém năng suất sang trồng cây ăn quả ôn đới và những cây màu phù hợp; sử dụng các giống mới và tập trung phát triển đàn gia súc.
Chính quyền xã Nghĩa Thuận chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”… Từ đó thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi, bởi vậy kinh tế nông, lâm nghiệp được xã xác định là chủ lực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp của xã cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao. Tổng diện tích gieo trồng là 1.022 ha; cây ngô 396 ha; rau, đậu các loại 115 ha; cây dược liệu 110 ha…
Trong đó, cây hồng không hạt là một trong những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên được địa phương quan tâm, mở rộng diện tích. Với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, quả hồng không hạt ở xã Nghĩa Thuận có nhiều bột hơn, ngọt và giòn hơn ở một số địa phương khác. Nhiều hộ có diện tích hồng không hạt lớn, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng.
Tính đến thời điểm này, xã đã trồng được 245 ha hồng không hạt, trong đó 80 ha đang cho thu hoạch với năng suất ước đạt 45 tạ/ha. Năm 2017, sản phẩm hồng không hạt Nghĩa Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này mở ra một cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh cũng như nâng cao danh tiếng và bảo vệ giá trị chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.
Gia đình ông Mai Xuân Sèng, thôn Na Lình từng là hộ cận nghèo của địa phương. Ban đầu, nhà ông chỉ có khoảng 10 cây hồng không hạt, chủ yếu việc trồng hồng phụ thuộc vào thời tiết, lợi nhuận không cao.
Sau khi được xã tuyên truyền, vận động tận dụng các diện tích đất đồi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả, năm 2016, gia đình ông bắt đầu mở rộng diện tích trồng hồng. Đến nay, ông đã phát triển được thêm 300 gốc hồng không hạt.
Với sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông và sự tìm tòi, nghiên cứu trên các trang thông tin, báo chí, ông Sèng biết chăm sóc vườn đúng kỹ thuật. Hai năm nay, vườn đã cho trái và mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp gia đình ông ngày càng khá giả.
Hộ ông Vàng Dung Pháng, thôn Phín Ủng cũng thoát nghèo nhờ vườn hồng không hạt. Vườn nhà ông có 500 gốc hồng, trong đó 150 gốc đã và đang cho thu hoạch tốt, mang lại lợi nhuận cả trăm triệu đồng mỗi năm. Thu nhập ổn định, chất lượng sống của gia đình ông tăng lên, có tiền dư dả, mua xe máy và các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
Bên cạnh trồng hồng không hạt, xã Nghĩa Thuận tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Các hội, đoàn thể xã thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm tới nhân dân, triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra.
Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chấp hành tốt mọi quy định về chăn nuôi, không sử dụng các hoạt chất cấm và kiểm soát việc giết mổ gia súc được xã thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm của xã Nghĩa Thuận luôn ổn định.
Một tấm gương trong phát triển chăn nuôi gia súc thành công, xóa đói giảm nghèo là anh Hà Văn Phúc. Anh đã thực hiện cải tạo 2.000m2 đất để xây dựng chuồng trại, đầu tư chăn nuôi bò và lợn. Khu chuồng nuôi lợn và bò được chia tách riêng biệt với mỗi chuồng có diện tích lớn, nhỏ khác nhau.
Đặc biệt, anh Phúc thực hiện xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng cách bổ sung vi sinh trong quá trình ủ hoai phân chuồng, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường lại giúp cải tạo đất tơi xốp, tăng cường hàm lượng dinh dưỡng, tận dụng được nguồn phân bón từ chăn nuôi cho vườn cây ăn quả nên giảm đáng kể chi phí trong sản xuất. Từ một người thuộc diện hộ nghèo, anh Phúc đã vượt khó vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Hiện nay, toàn xã Nghĩa Thuận có 598 con trâu, 1.384 con bò, 32 con ngựa, 3.600 con lợn, 380 con dê, 242 tổ ong, gia cầm 16.000 con. Đây là nguồn lợi kinh tế không nhỏ của nhiều hộ dân trên địa bàn.
Nhờ đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của nhân dân trong phát triển kinh tế, tin rằng bà con xã vùng cao biên giới Nghĩa Thuận sẽ xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.