Lâm Đồng: Phụ nữ Đạ M’Rông nỗ lực thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế
Nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp chính quyền cũng như Hội Phụ nữ, nhiều chị em ở Đạ M’Rông (Đam Rông) đã mạnh dạn vay vốn, cùng gia đình đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, từ đó thoát nghèo, ổn định kinh tế.
Xã Đạ M’Rông nằm ở phía bắc huyện Đam Rông (Lâm Đồng), cách trung tâm huyện chừng 30 km, là một trong những địa bàn nghèo nhất của huyện Đam Rông với 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hiện tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã là 34,06%.
Nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn.
Những năm qua, nhờ sự tuyên truyền và hướng dẫn tận tình của cán bộ địa phương, sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền, của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông cũng như Hội Phụ nữ xã Đạ M’Rông, chị em phụ nữ nói riêng, người dân xã nói chung đã dần thay đổi nhận thức và biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Để giúp đỡ các gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững, các cấp hội đã nhận ủy thác giúp hội viên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăm sóc cây trồng, vật nuôi, đồng thời còn giúp đỡ về cây con giống, ngày công, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả…
Nuôi lợn, trồng dâu, nuôi tằm... để thoát nghèo, ổn định kinh tế
Năm 2018, Hội LHPN huyện Đam Rông phối hợp với Trung tâm nông nghiệp huyện thành lập Tổ hợp tác xã nuôi lợn đen địa phương cung ứng giống lợn con, trao tặng lợn giống cho 10 hộ trong thôn Liêng K’Rắc 1. Trong đó, gia đình chị Păng Ting K'Măng tại thôn Liêng K'Rắc 1 được tặng 5 con lợn đen cùng lưới rào xung quanh.
Gia đình chị vốn thuộc diện khó khăn, nhà chỉ có 1 sào (1.000 m2) đất trồng lúa, ngô năng suất kém, chị chủ yếu đi làm thuê kiếm cơm qua ngày. Nhờ chương trình nuôi lợn, kinh tế gia đình chị từng bước được cải thiện.
Lợn đen có sức đề kháng tốt, ít bệnh tật. Trong quá trình chăn nuôi, Trung tâm nông nghiệp huyện Đam Rông thường xuyên cử cán bộ, nhân viên kỹ thuật xuống nhà chị hướng dẫn chăm sóc và tiêm phòng định kỳ 1 - 3 lần.
Lợn nhà chị một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa trên 20 lợn con, bán với giá hơn 3 triệu đồng/cặp, mang lại thu nhập từ bán lợn giống khoảng 60 triệu đồng/năm. Nhiều hộ dân thấy mô hình nuôi lợn đen của chị K’Măng hiệu quả nên đã đến để tham quan, học hỏi trao đổi kinh nghiệm.
Gia đình chị Liêng Jrang K'Sớp ngụ tại thôn Đa Tế. Năm 2017, sau khi được Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện Đam Rông cho vay 40 triệu đồng, chị phá bỏ 2 sào đất trước đó trồng cà phê và lúa không hiệu quả chuyển sang trồng dâu, nuôi tằm. Chị dùng số tiền vay đầu tư các dụng cụ để phục vụ việc nuôi tằm lấy kén.
Trước đó chị K’Sớp đã tham gia một số lớp tập huấn do địa phương tổ chức liên quan đến nông nghiệp trong đó có kỹ thuật nuôi tằm, thu hái lá dâu, thu kén và phòng trừ dịch bệnh cho tằm, đồng thời, tham quan thực tế, học hỏi kinh nghiệm những hộ dân đi trước.
Đến nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu về từ nghề trồng dâu, nuôi tằm khoảng 80 triệu/năm, kinh tế ngày càng khấm khá, nhà cửa đã được xây dựng khang trang sạch sẽ.
Chị Kră Jăn Vellét ở thôn Đa Tế là gia đình có đông anh chị em, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy để gieo tỉa lúa, ngô…. Sau khi lập gia đình và ra ở riêng, ngoài canh tác trên 1 ha cà phê, vợ chồng chị Vellét còn tận dụng đất đai gần nhà trồng 2 sào dâu để bán lá cho các hộ nuôi tằm.
Năm 2019, chị được Hội Phụ nữ xã quan tâm tạo điều kiện vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH theo gói đầu tư phát triển sản xuất và Chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường. Từ nguồn vay này, gia đình chị đã đầu tư phân bón thâm canh cà phê, làm nhà nuôi tằm với diện tích 30m2, mua 2 bộ giàn dụng cụ nuôi tằm và thuê 2,5 sào đất để mở rộng diện tích trồng dâu.
Tùy theo số lượng lá dâu mà gia đình nuôi từ 0,5 gam đến 1 hộp tằm con /lứa. Với giá thị trường kén tằm ổn định như hiện nay thì sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi từ 5 - 10 triệu đồng/lứa. Còn trên 1 ha cà phê bước sang năm thứ 4, trong niên vụ này, gia đình chị Vellét dự tính sẽ cho thu ước đạt khoảng 2 tấn cà phê nhân.
Nhờ kết hợp giữa trồng dâu, nuôi tằm và trồng cà phê, gia đình chị đã hoàn toàn thoát khỏi cái đói nghèo một cách bền vững, kinh tế ổn định, dần có của ăn, của để...
Một trường hợp khác là gia đình chị Kră Jăn K’Yớ. Ngày trước, nguồn thu chính của gia đình chị phụ thuộc vào 5 sào cà phê và đi làm thuê, cuộc sống vất vả, khó khăn. Nhận thấy mô hình trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn xã đã giúp nhiều hộ dân ở địa phương xóa đói giảm nghèo, năm 2021, gia đình chị vay Ngân hàng CSXH huyện được 50 triệu đồng để thâm canh cà phê và trồng dâu, nuôi tằm.
Tùy theo nguồn lá dâu (2 sào dâu), gia đình chị nuôi từ 0,2 - 0,5 gam tằm con/lứa. Thời điểm thị trường kén tằm ổn định ở mức giá 200 ngàn đồng/kg kén, với 0,5 gam tằm con, gia đình chị thu 8 triệu đồng/lứa, giúp tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống gia đình.
Thời gian rảnh rỗi vợ chồng chị K’Yớ còn đi làm thuê để trang trải sinh hoạt gia đình. Cùng với tích lũy từ việc trồng dâu, nuôi tằm… đến nay chị đã xây được căn nhà 70 m2 trị giá 300 triệu đồng.
Khi điều kiện kinh tế của chị em hội viên cũng như người dân được nâng lên, họ tích cực tham gia thực hiện nhiều phong trào hoạt động xã hội hơn, góp sức cùng chính quyền xã thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội tại địa phương
Thời gian các cấp Hội cũng như chính quyền xã Đạ M’Rông sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây trồng, vật nuôi năng suất kém sang triển khai, áp dụng thực tế những mô hình mới phù hợp với địa phương, đồng thời, ứng dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp, nhân rộng các mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả.
Hồng Phúc, Thục Anh, Thu Hằng