Kết quả tích cực từ phong trào 'Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi'
Phát huy những thành tích đạt được, Hội Cựu chiến binh tỉnh xác định thời gian tới cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, phát huy hiệu quả sâu rộng phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Thời gian qua, góp phần vào thành quả giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không thể không kể đến vai trò chủ động, năng nổ, tích cực của các cựu chiến binh.
Từ năm 2016 - 2020, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Các cấp hội, cán bộ và hội viên toàn tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khai thác được nhiều nguồn lực, phát huy được nội lực, tiềm năng của địa phương để thúc đẩy phong trào.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của cựu chiến binh đã phát triển cả về số lượng, quy mô và hiệu quả. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ kinh doanh gia đình phát triển mạnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 178 mô hình trang trại, 899 mô hình gia trại, 9 tổ hợp sản xuất, 15 hợp tác xã, 94 công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân, 27 Câu lạc bộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, Câu lạc bộ doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh có 45 thành viên; đã tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động...
Sau 5 năm hội cựu chiến binh tỉnh đã giúp cho 3.904 hội viên thoát nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 11,58% xuống còn 2,69%; số hộ hội viên có mức sống khá tăng từ 56% lên 64,9%. Toàn tỉnh đã có 2.707 hộ gia đình cựu chiến binh đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Câu chuyện ở Na Hang
Một câu chuyện cụ thể là hội cựu chiến binh huyện Na Hang. Hội cựu chiến binh huyện Na Hang hiện có trên 1.000 hội viên, sinh hoạt ở 12 cơ sở hội. Trong những năm qua, Hội luôn đề cao công tác giảm nghèo, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Đến nay toàn hội có trên 100 mô hình làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên. Tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo hiện là 12,3%, giảm 21,5% so với năm 2016.
Ông Phùng Văn Lại là cựu chiến binh ở xã Năng Khả (Na Hang). Năm 2019, ông vay 100 triệu đồng nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư đào ao thả cá, mua các loại giống như: chép, trắm, trôi... để thả cho trên 1.000 m2 diện tích ao. Ngoài ra, gia đình còn nuôi thêm 10 con lợn đen thương phẩm với hình thức nuôi gối đàn; trên 100 con gà; 80 cây bưởi diễn...
Cuối năm 2021, vườn bưởi diễn đã cho thu nhập ổn định, đặc biệt là vào dịp cận Tết, thương lái đến thu mua tại nhà. Ao cá và đàn lợn xuất theo định kỳ. Mỗi năm mô hình này mang lại cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng. Mô hình vườn – ao – chuồng tạo ra vòng tròn kinh tế khép kín, đưa gia đình ông thoát khỏi cái nghèo đói đeo bám.
Với cương vị là chi hội trưởng, ông Lại tiếp tục vận động, giúp đỡ các hội viên khác trong thôn phát triển kinh tế, thoát khỏi cái nghèo đeo bám.
Hay tấm gương của cựu chiến binh Ma Xuân Huỳnh ở xã Sơn Phú (Na Hang). Gia đình anh từng là hộ nghèo ở địa phương. Nhờ sự động viên của Hội cựu chiến binh xã cùng ý chí vươn lên thoát nghèo, năm 2016 anh vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, 100 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua xe tải cũ chạy rau, củ quả rồi đổ buôn tại chợ đầu mối ở các tỉnh lân cận.
Năm 2018, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu anh xây dựng mô hình sản xuất giống cây lâm nghiệp. Đến nay, mỗi năm anh cung ứng cho thị trường hơn 30 vạn cây giống của keo, xoan, tre bát bộ, hồi. Bên cạnh đó, anh còn sản xuất và cung ứng các loại giống của cây có múi như cam sành, quýt nhỏ. Cơ sở của anh hoạt động ổn định, bền vững, tạo việc làm thời vụ cho gần 20 lao động địa phương với mức thu nhập 200 nghìn/người/ngày.
Năm 2021, từ nguồn vốn tích lũy được, anh mạnh dạn mở rộng sản xuất, xây chuồng trại nuôi lợn sinh sản và nuôi gà sạch theo công nghệ sinh học. Nhờ nuôi theo công nghệ khoa học, đàn lợn và gà của anh phát triển nhanh, chất lượng tốt, tỷ lệ hao hụt ít. Riêng mảng chăn nuôi này mang lại thu nhập cho gia đình anh hơn 70 triệu đồng/năm.
Ông Lại, của anh Huỳnh chỉ là hai trong số nhiều gương sáng về ý chí thoát nghèo của cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Có thể thấy, sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể và hội cựu chiến binh có vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo nhưng cốt lõi vẫn là ý chí tự lực của cựu chiến binh và gia đình.
Phát huy những thành tích đạt được, Hội Cựu chiến binh tỉnh xác định thời gian tới cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, phát huy hiệu quả sâu rộng phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Hội cần tập trung các nguồn lực xây dựng các mô hình cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp cựu chiến binh tổ chức lại sản xuất theo hướng từ sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn, từ kinh tế hộ nhỏ lẻ, sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao đời sống cựu chiến binh.
Cựu chiến binh tiếp tục đi đầu, phát huy vai trò tiền phong, cống hiến sức lực, trí tuệ, có cách làm sáng tạo hơn, giúp đỡ nhau trong phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang "Bộ đội Cụ Hồ" của Cựu chiến binh Việt Nam trên quê hương cách mạng.
Bạch Hân, Thu Hà, Ngọc Ánh