Huyện Vụ Bản: Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững
Trước đây, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định được biết đến là vùng chiêm trũng nghèo và là một trong những huyện chậm phát triển của tỉnh. Do vậy, trong những năm qua, huyện đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo bền vững.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã ban hành các văn bản triển khai công tác giảm nghèo với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách dành cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng Bảo trợ xã hội, người có công, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, nhà ở, vốn vay ưu đãi..; tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó, Uỷ ban MTTQ các cấp cùng các tổ chức thành viên trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia xây dựng quỹ “Vì người nghèo”. Từ nguồn quỹ này, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế, khám chữa bệnh và tặng quà.
Quan tâm công tác dạy nghề, tạo việc làm
Song song với các chính sách trên, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập… hướng tới giảm nghèo bền vững được huyện chú trọng, quan tâm.
Chẳng hạn, UBND xã Hiển Khánh đã nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính, phát huy nội lực đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông để thu hút đầu tư. Đến nay, trên địa bàn xã có 9 công ty được thành lập, trong đó có 7 công ty đã đi vào hoạt động, tạo việc làm tại chỗ cho trên 2.000 lao động trong và ngoài địa phương, với thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
Trên địa bàn xã cũng có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi và các tổ hợp may công nghiệp, tạo việc làm cho hàng chục lao động.
Cấp ủy, chính quyền xã còn quan tâm, tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động địa phương, nhất là những lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và tạo điều kiện để họ được vay vốn, phát triển kinh tế.
Nhờ những nỗ lực đó, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều của xã Hiển Khánh năm 2022 giảm còn 0.6%, hầu hết lao động địa phương đều có việc làm và thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 60 triệu đồng/năm.
Còn xã Liên Minh với lợi thế có khu công nghiệp nằm trên địa bàn, nên hầu hết lao động trong xã đều vào làm việc trong KCN. Bên cạnh đó, các hộ dân của xã còn đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ vừa và nhỏ, mang lại thu nhập tốt cho gia đình. Đến nay, xã Liên Minh có khoảng 250 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, tạp hóa, trang trí nội thất, vật liệu xây dựng…
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm dần theo từng năm, đến năm 2022, toàn xã còn 0,76% hộ nghèo đa chiều.
Cũng như xã Liên Minh và Hiển Khánh, các địa phương trong huyện đã và đang thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy, năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 0,9%, bình quân thu nhập đầu người đạt 60,5 triệu đồng/năm.
Để chương trình giảm nghèo triển khai hiệu quả, Ban chỉ đạo chương trình giảm nghèo huyện hàng năm căn cứ mục tiêu giảm nghèo của địa phương và hướng dẫn của các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn.
Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân nói chung và bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng. Trong đó, chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Hiện toàn huyện có 6.521 hộ được hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi với tổng kinh phí trên 213,8 tỷ đồng. Vốn vay ưu đãi đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện tự vươn lên, tạo việc làm nâng cao đời sống, thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, BHYT, chăm sóc sức khỏe cũng được các địa phương tích cực triển khai. Đến nay, toàn huyện có hàng chục hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà, hàng nghìn người nghèo được đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Diện mạo nông thôn huyện Vụ Bản từng bước thay đổi. Đời sống của Nhân dân được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu.
Cuối tháng 2/2019, huyện đã được nhận quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Hiện huyện đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Có thể nói, kết quả của công tác giảm nghèo đã góp phần tích cực để địa phương đạt được thành quả này.
Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản đã được thành lập vào tháng 05/2003. Từ hai chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay, Phòng giao dịch đang triển khai cho vay 11 chương trình tín dụng chính sách. Các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn huyện, giúp cho trên 11.214 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo điều kiện cho 14.190 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo có vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, tạo việc làm mới cho gần 2.600 lao động tại chỗ, hỗ trợ cho 16.690 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để chi phí học tập, giúp cho các hộ ở nông thôn xây dựng và sửa chữa được 38.504 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, tạo điều kiện cho 517 hộ được vay vốn để xây mới nhà ở... |
Công Sáng, Minh Hưng, Thu Huyền