Huyện Lục Nam: Đào tạo nghề, tạo việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thực hiện tốt đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh, còn 4,17%.
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó, hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, sinh kế bền vững.
Nội dung này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, đồng thời, cùng với nâng cao kỹ năng, năng lực cạnh tranh… sẽ góp phần giải quyết các vấn đề của các vùng, các địa phương và các đối tượng ưu tiên. Nếu có chính sách tốt, hỗ trợ người nghèo từ tư vấn hướng nghiệp, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm, sẽ góp phần quan trọng trong giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh triển khai dự án về đào tạo nghề trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Lục Nam (Bắc Giang) còn chú trọng thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5/11/2012 (gọi tắt là Chỉ thị 19) của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn".
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn vai trò rất quan trọng với Lục Nam vì đây là huyện nông nghiệp, phần lớn lao động nông thôn chưa qua đào tạo nghề. Nhiệm vụ này không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thực hiện đến các đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả. Bên cạnh việc ban hành kế hoạch theo giai đoạn, UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch đào tạo nghề từng năm để tổ chức thực hiện hiệu quả;
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ nội dung của Chỉ thị và đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế của đơn vị để xây dựng kế hoạch; chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề.
Tích cực phối hợp với ngành lao động trong điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp và quá trình lập kế hoạch, phân bổ kinh phí, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát đánh giá hiệu quả sau đào tạo nghề.
Qua đó, các cấp ủy đảng, chính quyền đánh giá kết quả, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phát hiện và nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình, những mô hình tốt, góp phần triển khai hiệu quả Chỉ thị.
Hàng năm, huyện đều tiến hành điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xác định danh mục nghề cũng như nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp và thị trường lao động, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.
Các trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường xuyên đổi mới chương trình dạy, giáo trình đào tạo, chú trọng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt coi trọng xây dựng chương trình truyền dạy kỹ năng thực hành nghề, thao tác kỹ thuật... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn trong việc tiếp thu kiến thức và hoàn thiện tay nghề.
Trong 10 năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo được hơn 40,2 nghìn lao động trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên; thời gian từ 2 đến 3 tháng/khóa, tổ chức theo hình thức tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố. Nhờ công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm được thực hiện tốt đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh, còn 4,17%.
Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng được chú trọng. Qua kiểm tra đánh giá, hơn 80% lao động sau khi học nghề xong được giải quyết việc làm, trong đó 100% người lao động tham gia học nhóm nghề nông nghiệp được giải quyết việc làm dựa trên ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của gia đình mình.
Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 3,4 nghìn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo/tổng số lao động trong độ tuổi đạt 80%, tỷ lệ lao động qua đào tạo là người dân tộc thiểu số 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 45,4%;
Đầu tư phát triển Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực liên kết đào tạo các ngành nghề được các nước tiến tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Quy mô tuyển sinh đào tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025 đạt gần 17,2 nghìn người; hơn 90% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, hơn 85% học sinh tốt nghiệp trung cấp và hơn 80% người lao động tốt nghiệp sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng có việc làm sau đào tạo.
Văn Điệp, Mỹ Hòa, Trần Hòa