Huyện Bình Liêu nỗ lực giảm nghèo bền vững và về đích nông thôn mới
Huyện Bình Liêu đã lồng ghép Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, do đó, huy động tối đa mọi nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Huyện miền núi, biên giới Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh có trên 96% dân số là người dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao.
Năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện tăng lên 5,37%, tỷ lệ hộ cận nghèo tăng lên 15,02%, tương đương 1.571 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm gần 20,4% tổng số hộ dân toàn huyện.
Công tác giảm nghèo đạt những kết quả tích cực
Nhằm hoàn thành tốt công tác giảm nghèo bền vững, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, tổ chức tốt việc điều tra, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo cách tiếp cận đa chiều, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng...
Ngay từ những tháng đầu năm, huyện đã chỉ đạo tất cả các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến xã triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo. Chẳng hạn thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao thu nhập, chế độ tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề...
Huyện mở 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn, 4 lớp tập huấn quy trình canh tác, quản lý vùng trồng có tiềm năng xuất khẩu; phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức 30 hội nghị tư vấn tuyển sinh đào tạo, đưa 690 lao động đi làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam; phối hợp với 1 công ty may mặc tổ chức 7 hội nghị tư vấn tuyển lao động làm việc tại đơn vị...
Huyện cũng đẩy mạnh hỗ trợ xóa nhà ở chưa bền chắc đối với hộ nghèo. Đồng thời huyện tích cực tuyên truyền, vận động hỗ trợ để các hộ nghèo, cận nghèo từng bước thoát nghèo.
Với những giải pháp đa dạng và cách làm phù hợp, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Bình Liêu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao mức sống của người dân. Các chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống đã mở ra cơ hội cho hộ nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, cải thiện điều kiện sống và từng bước thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, người dân cũng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của bản thân trong công tác xóa đói, giảm nghèo và chủ động tiếp cận các chính sách và nguồn hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để vươn lên thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương.
Quyết tâm năm 2022 về đích nông thôn mới
Huyện đã lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), do đó, huy động tối đa mọi nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đầu năm nay, Huyện ủy ban hành Nghị quyết "Xây dựng huyện Bình Liêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022”; kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG huyện giai đoạn 2021-2025; thành lập 7 tổ công tác phụ trách kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện...
Đồng thời, huyện phát động phong trào chung sức xây dựng NTM nhằm huy động tổng lực sự vào cuộc của cán bộ, công chức, người dân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thay đổi từ tư duy đến hành động, nhất là ở một số thôn, bản khó khăn, biên giới.
Công tác tuyên truyền được huyện thực hiện bằng nhiều hình thức, qua các phương tiện truyền thông, hệ thống loa phát thanh, trang mạng xã hội zalo, Facebook, họp chi bộ, họp thôn...
Qua rà soát, đến hết tháng 10/2022, bình quân các xã của huyện đạt 16,83/19 tiêu chí, 53,33/57 chỉ tiêu xây dựng NTM, tăng 3 tiêu chí, 9,33 chỉ tiêu so với đầu năm. Các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt là thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất, môi trường, chất lượng cuộc sống.
Huyện đạt 5/9 tiêu chí, 27/36 chỉ tiêu, tăng 2 tiêu chí, 8 chỉ tiêu so với đầu năm 2022; các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt là văn hóa - y tế - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống.
Do đó huyện đã chỉ đạo cho các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn rà soát, nắm chắc những chỉ tiêu, tiêu chí còn thiếu và yếu, từ đó có biện pháp cải thiện. Trong đó yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, phải tiên phong, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với từng phần việc thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức mình.
Cùng với cải thiện về hạ tầng kỹ thuật, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc hỗ trợ các hộ nghèo xây dựng nhà ở. Đến thời điểm này, huyện có 223 hộ nghèo cần được xây mới nhà ở mới để đạt tiêu chí. Trong năm 2022 có 170 hộ đăng ký nhận hỗ trợ xây mới ở, đến nay có 166 hộ cơ bản hoàn thành; những hộ còn lại hoàn thành trong năm 2023.
Để cải thiện tiêu chí về thu nhập, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi mô hình sản xuất, thành lập các hợp tác xã, nâng cao chất lượng các nông sản địa phương, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người dân.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, từ đầu năm đến nay đã có 745 hộ vay vốn hỗ trợ sản xuất với tổng số tiền 51 tỷ đồng. Nguồn vốn này được người dân đầu tư phát triển sản xuất với các giống cây, con chủ lực của địa phương và khai thác lâm sản ngoài gỗ.
Năm 2022, các tổ chức, hộ gia đình ước khai thác 34.566m3 gỗ rừng trồng (bằng 118% so với năm 2021); 810 tấn nhựa thông (105%); 925 tấn hoa hồi khô (117%); 420 tấn quế vỏ khô (85%); 600 tấn hạt sở (bằng 91,3% so với năm 2021).
Cùng với các giải pháp trên, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ nhà tiêu không hợp vệ sinh. Hiện trên địa bàn huyện còn 1.226 hộ gia đình thiếu nhà vệ sinh. Qua công tác tuyên truyền, vận động, đến nay có 1.168 hộ gia đình đăng ký xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, các hộ còn lại đang tiếp tục được vận động triển khai, phấn đấu hết năm 2022 đạt chỉ tiêu này.
Qua đánh giá của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM của huyện Bình Liêu đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là tiêu chí giảm nghèo. Đầu năm toàn huyện còn 1.571 hộ nghèo, cận nghèo, đến tháng 11/2022 giảm còn 154 hộ. Đây là tiêu chí then chốt giúp cho Bình Liêu đạt NTM năm 2022.
Với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, sự chung sức đồng lòng của người dân, dự kiến hết năm 2022 Bình Liêu cán đích huyện NTM. Đây là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu thời gian tiếp theo.
Quốc Tiến, Minh Hưng, Thu Huyền