Hà Giang: Ưu tiên các nguồn lực cho giảm nghèo bền vững
Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ xuyên suốt, tỉnh Hà Giang đã huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước và xã hội để thực hiện công tác này.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như: Mông, Nùng, Tày, La Chí, Pà Thẻn, Lô Lô, Sán Dìu…
6/11 huyện, thành phố của tỉnh thuộc diện huyện nghèo được thụ hưởng chính sách của Nhà nước, gồm 4 huyện cao nguyên đá là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ và 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần.
Thời gian qua, UBND tỉnh Hà Giang đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên cho công tác giảm nghèo, triển khai các giải pháp hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đói, nghèo đeo bám.

Nỗ lực thực hiện giảm nghèo
Tỉnh Hà Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021 - 2025 do Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban; ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động cả giai đoạn và từng năm. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân. Tăng cường quản lý nhà nước, chỉ đạo công tác điều tra, rà soát hộ nghèo. Triển khai đồng bộ các dự án; xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng. Tăng cường tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ theo dõi, thực hiện công tác giảm nghèo các cấp.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động phong trào thi đua, triển khai Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” và Tháng cao điểm “Vì người nghèo” để huy động nguồn lực phục vụ công tác giảm nghèo bền vững.
Ngay sau khi có hướng dẫn của các bộ, ngành và phân bổ nguồn vốn của Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo, phân cấp cho các cấp, ngành triển khai kịp thời, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ.
Tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo (thuộc Dự án 1) của 7 huyện nghèo được đẩy mạnh. Hiện nay, cả 7 huyện nghèo của tỉnh đang triển khai hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Tổng số đối tượng hưởng lợi là 106.300 hộ, trong đó 56.728 hộ nghèo, 15.923 hộ cận nghèo, 29.154 hộ dân tộc thiểu số.
Đối với Tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn và Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững (thuộc Dự án 4), UBND tỉnh đã phân bổ nguồn vốn cho Trường Cao đẳng kỹ thuật và công nghệ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp, các cấp, ngành đang thực hiện giải ngân; trong đó các dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Xây dựng mô hình liên kết
Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ xuyên suốt, tỉnh huy động tối đa các nguồn lực của nhà nước và xã hội; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thông qua mô hình kinh tế tập thể đang mang lại hiệu quả.
Hợp tác xã sản xuất chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì là một điển hình. Từ một tổ hợp tác nhỏ lẻ được địa phương hỗ trợ đã trở thành một hợp tác xã có quy mô lớn (gần 50 thành viên) và đang sở hữu một trong những danh trà của Hà Giang với thương hiệu Fìn Hò Trà.
Với sự tài trợ toàn diện từ vốn, cơ chế, cùng với tư duy dám nghĩ, dám làm của những người đứng đầu, Hợp tác xã Phìn Hồ đã từng bước phát triển, mở rộng sản xuất, chế biến kinh doanh chè theo chuỗi liên kết với các hộ.
Nhờ chính sách đổi mới của Nhà nước trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cùng với chính sách hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững mà người dân là những thành viên có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều gia đình đã thoát được nghèo và nâng cao đời sống.
Bên cạnh đó, Hà Giang còn quan tâm việc động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo phát huy nội lực, ý chí vươn lên. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn thích ứng, phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác trở thành hàng hoá.
Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị để nâng cao giá trị sản xuất trên héc - ta đất canh tác để “Nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị - du lịch nông nghiệp gắn với bản sắc văn hóa của người dân bản địa”.
Tiêu biểu như các mô hình liên kết du lịch cộng đồng ở huyện Hoàng Su Phì. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền trong việc tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã góp phần đem đến diện mạo mới cho cuộc sống của đồng bào nơi đây. Những bản làng bình yên nằm dưới thung sâu đang dần được đánh thức bởi bước chân của du khách…
Toàn huyện có 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng được huyện phê duyệt, trong đó có 1 làng văn hóa du lịch tiêu biểu đã được UBND tỉnh công nhận. Có 14 hộ được hỗ trợ kinh phí cải tạo nhà ở, mua sắm vật dụng để kinh doanh dịch vụ homestay với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Trên 50 mô hình homestay đang hoạt động, đem lại nguồn thu từ 80 – 200 triệu đồng/năm.
Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 94.727 hộ nghèo, cận nghèo đa chiều; chiếm 49,95% tổng số hộ toàn tỉnh (giảm 8.889 hộ, giảm 5,17% so với cuối năm 2021); trong đó, 70.318 hộ nghèo và 24.409 hộ cận nghèo.
Tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 2 huyện nghèo và 29 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2020; trên 12.000 hộ nghèo, cận nghèo các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 60% hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, Internet.
Phấn đấu 95% các hộ sinh sống ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin. 100% các huyện nghèo, xã thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.
Để hoàn thành mục tiêu đó, các cấp, ngành của tỉnh đang dồn lực, tập trung tăng cường lãnh, chỉ đạo toàn diện đối với công tác giảm nghèo. Đồng thời tập trung triển khai hiệu quả các dự án thành phần về hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn.
Phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng. Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo. Truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Các địa phương trong tỉnh đang tập trung hoàn thành việc rà soát, lập danh mục và thủ tục đầu tư các công trình, dự án; duy tu, bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo.