Gia Lai phấn đấu năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%
Trên cơ sở các kết quả giảm nghèo bền vững đạt được trong năm 2022, tỉnh đề ra mục tiêu năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% (phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,1%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%.
Theo thông tin từ Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh Gia Lai tổng kết công tác giảm nghèo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, năm 2022 toàn tỉnh có 38.550 hộ nghèo (172.746 khẩu). Trong đó, số hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 34.387 hộ (158.620 khẩu); tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,26%.
Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt kế hoạch
Năm 2022, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo của Gia Lai là 2,03% đạt 101,53% so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,32 % đạt 143,95% so với kế hoạch. Số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 37.253 hộ (163.613 khẩu); trong đó, số hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 28.565 hộ (130.723 khẩu); tỷ lệ hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,66%.
Kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả.
Tính đến ngày 30/11/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã cho vay 8.929 lượt hộ nghèo; 7.277 lượt hộ cận nghèo; 2.490 hộ mới thoát nghèo; 12.400 lượt hộ vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 9.381 hộ vay vốn giải quyết việc làm, 5.341 lượt hộ vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn,... với doanh số cho vay hơn 1.697,9 tỷ đồng, tổng dư nợ vay trên 5.494,4 tỷ đồng.
Các gia đình vay vốn đã sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, tổ chức sản xuất có hiệu quả, đời sống ngày càng cải thiện, trả nợ gốc và lãi đúng hạn cho ngân hàng.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã phối hợp cùng với các địa phương triển khai cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng: Người nghèo 65.244 thẻ bảo hiểm y tế; người cận nghèo 62.175 thẻ bảo hiểm y tế; người dân tộc thiểu số sinh sống vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn 288.672 thẻ bảo hiểm y tế và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế hộ nông lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình 83.927 thẻ bảo hiểm y tế với tổng số kinh phí hỗ trợ khoảng 334.681 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm được triển khai tích cực. Đã tổ chức tư vấn cho 38.655 lượt người, giới thiệu việc làm cho 3.425 lượt lao động, cung ứng 1.330 lao động cho các doanh nghiệp. Số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 26.260 lao động, đạt 100,23% kế hoạch, so với cùng kỳ năm 2021.
Đã hỗ trợ xây dựng 195 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn với tổng số tiền hơn 9,2 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp huyện và vận động từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh. Các chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ giáo dục đều được triển khai tích cực, có hiệu quả.
Tỉnh đề ra mục tiêu năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% (phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 8,1%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Kông Chro giảm 5%.
Tránh tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các địa phương, sở, ngành liên quan đánh giá nghiêm túc và thực chất để công tác giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Ban Dân tộc cần có đề xuất riêng về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh triển khai có hiệu quả, thiết thực cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững".
Năm 2023 dự báo sẽ nhiều khó khăn, vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương không chủ quan trong xây dựng kế hoạch, chương trình về công tác giảm nghèo; thực hiện nghiêm túc việc điều tra, thống kê hộ nghèo theo kế hoạch;
Kiểm tra các quyết định về giao chỉ tiêu giảm nghèo cho các địa phương và kịp thời báo cáo UBND tỉnh để điều chỉnh nếu chưa phù hợp; rà soát công tác giảm nghèo và điều chỉnh kế hoạch giảm nghèo phù hợp theo tinh thần chỉ đạo chung của Trung ương; đồng thời, tập trung triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giảm nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng nhấn mạnh, các địa phương cần rà soát các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, các hộ có nguy cơ đói giáp hạt để trên cơ sở kinh phí của tỉnh khẩn trương chi và cấp gạo cứu đói đầy đủ đến các đối tượng, giúp bà con có điều kiện đón Tết Nguyên đán sắp đến gần.
Năm 2011, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai phát động Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cuộc vận động đã thổi luồng sinh khí mới làm thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số; tạo đòn bẩy giúp người dân phát huy những tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Bằng cách làm cầm tay, chỉ việc; hỗ trợ sinh kế; vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, sau hơn 10 năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã duy trì trên 400 mô hình phát huy hiệu quả; nhân rộng 398 mô hình với trên 18 ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Tiêu biểu như: Mô hình "trồng chuối ghép mô”, “Nuôi heo đen” ở huyện Kbang; “Cánh đồng một giống đối với cây lúa”, “Vườn rau an toàn” ở huyện Phú Thiện; “Canh tác dưới tán rừng”, “Nuôi dê, dúi thương phẩm, vườn ươm bời lời” ở huyện Đak Đoa... Kết hợp cùng với nhiều chương trình, dự án xóa đói, giảm nghèo, các mô hình đã góp phần giúp hơn 29.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Kinh tế phát triển người dân càng có điều kiện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang hơn, đường làng được bê tông hóa. |
Thanh Hà, Minh Hưng, Ngọc Trang