Động lực để khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội
Theo Nghị quyết của QH về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngân sách TƯ sẽ bố trí 100 nghìn tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG. Đây là động lực để khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum với tổng diện tích 54.474 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước; dân số 4,784 triệu người (tính đến cuối năm 2005), trong đó đồng bào thiểu số tại chỗ gồm 12 dân tộc với khoảng 1,7 triệu người, chiếm 28,2% dân số toàn vùng.
Những năm gần đây, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tây Nguyên đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hiện vẫn còn nhiều khó khăn, sự phân cực giàu nghèo giữa các cộng đồng dân cư trong chính vùng dân tộc thiểu số đang ngày càng rõ nét.
Theo báo cáo của các tỉnh Tây Nguyên, đến cuối năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) trong đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao, bình quân toàn vùng trên 60%; trong đó: Lâm Đồng: 55%, Đắc Nông: 63%, Đắc Lắc: 62%, Gia Lai: 81%, Kon Tum: 88%. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên còn rất cao, tốc độ giảm nghèo những năm vừa qua mới chỉ đạt khoảng 2 - 3%/năm cho toàn vùng.
Giai đoạn 2015-2020, Đắk Lắk đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 9,13%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,87%/năm và Kon Tum là 9,7%, 4,05%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Gia Lai là 7,93%/năm, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%.
Qua nghiên cứu thực trạng, có thể thấy vấn đề nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, thiếu nguồn lực và kỹ thuật. Đồng bào dân tộc thuộc diện nghèo ở Tây Nguyên đang thiếu thốn đáng kể về hầu hết các nguồn lực cho sản xuất như đất, vốn, lao động có kỹ thuật v.v...Thực tế các hộ nghèo đã được bố trí đất sản xuất nhưng do thiếu các nguồn lực về tài chính và kỹ thuật nên đất sản xuất không được sử dụng có hiệu quả. Các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm cũng có nhiều hạn chế; cùng với kỹ thuật canh tác truyền thống vẫn là phát nương làm rẫy; cây trồng, vật nuôi chưa được đa dạng hóa... nên giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích còn rất thấp. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin về thị trường sản phẩm, về công nghệ còn rất sơ khai; việc hỗ trợ về kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi hầu như chưa phát triển. Vì vậy, có thể nói những hộ nghèo chưa có đủ điều kiện và khả năng để tự vượt nghèo bằng nội lực của chính mình.
Thứ hai, việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường đông con, đa phần có từ 5 đến 6 con; lao động chính trong nhà có học vấn rất thấp, rất khó có cơ hội tìm được việc làm có thu nhập khá và ổn định. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở vùng Tây Nguyên chỉ bằng 67,2% so với mức trung bình toàn quốc; trong đó, thu nhập bình quân đầu người của nhóm hộ đồng bào nghèo là dưới 80 ngàn đồng/người/tháng. Những hạn chế về kinh tế chính là cản trở đối với người nghèo trong việc tiếp cận các điều kiện phúc lợi trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa v.v...
Thứ ba, dễ gặp rủi ro do điều kiện ngoại cảnh. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Tây Nguyên rất tiềm tàng cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt là các loại cây công nghiệp có giá trị. Tuy nhiên, hiệu quả sản xuất lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, khí hậu, nước tưới, giá cả vật tư, phân bón... Việc rớt giá một số sản phẩm nông nghiệp trong nhiều năm qua, cùng với nắng hạn, mưa lũ thất thường đã làm cho đồng bào Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ tư, hạn chế về cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng bởi tính biệt lập về địa bàn cư trú. Nhiều năm qua, nhất là từ khi có Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 168/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Tây Nguyên hằng năm đều tăng. Cụ thể là giai đoạn 2001 - 2005 đã đầu tư 40.498 tỉ đồng (bình quân 8.000 tỉ đồng/năm) tăng bình quân 18,17%/năm. Tuy nhiên, do phần lớn địa bàn mà đồng bào dân tộc sinh sống là những nơi dân cư sống rải rác, địa hình chia cắt phức tạp nên suất đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng cao, trong khi nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như hiệu quả thu được đều hạn chế nên đồng bào chưa được hưởng lợi nhiều từ các nguồn đầu tư của nhà nước.
Thứ năm, nhận thức và năng lực tự vươn lên thoát nghèo của người dân cũng như công tác xóa đói, giảm nghèo còn hạn chế. Về mặt nhận thức, đồng bào nghèo ý thức chưa đầy đủ về việc phải tự giải thoát mình khỏi cảnh nghèo khó, chưa lo tích góp vốn để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh. Ở nhiều nơi, đồng bào còn cho rằng, đầu tư xóa đói, giảm nghèo là việc của Nhà nước, của chính quyền các cấp nên họ chưa có ý thức hợp tác, bảo vệ và khai thác các công trình hạ tầng do nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, năng lực điều hành của chính quyền địa phương trong công tác xóa đói, giảm nghèo chưa được thể hiện rõ; một số nơi chưa bố trí được cán bộ chuyên trách có đủ năng lực và trình độ, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ người dân tộc; hoặc thiếu sự phối, kết hợp nhịp nhàng giữa các bên tham gia quản lý.
Bởi vậy, m trong những nhiệm vụ ưu tiên thời gian tới của cả hệ thống chính trị là giảm nghèo bền vững khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là việc làm hết sức có ý nghĩa và cần thiết, thể hiện trách nhiệm của toàn Đảng đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương sẽ bố trí 100 nghìn tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây sẽ là động lực để khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Xuân An, Bình Minh, Hồng Hạnh