Đoàn viên thanh niên Na Hang phát triển kinh tế, góp sức giảm nghèo
Nhiều chương trình tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ đoàn viên thanh niên huyện Na Hang (Tuyên Quang) tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đã được triển khai.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Đoàn Thanh niên huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Nhiều đoàn viên thanh niên thuộc diện hộ khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo đã từng bước thay đổi cuộc sống, thay đổi tư duy làm ăn, mạnh dạn tìm hướng đi cho bản thân. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Na Hang hiện có 64 mô hình làm kinh tế của thanh niên. Các mô hình đều đang mang lại hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Hàng năm, tổ chức Đoàn đều phối hợp tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 1.000 lượt đoàn viên, thanh niên, trung bình số có việc làm khoảng 160 người/năm.
Để hỗ trợ vốn sản xuất, Huyện Đoàn cùng các Đoàn cơ sở đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác cho vay với 41 tổ tiết kiệm cho 1.419 hộ được vay, dư nợ trên 74 tỷ đồng. Đa số thanh niên được hưởng lợi từ nguồn vốn vay đều có ý thức cao trong việc sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi đúng định kỳ.
Anh Hứa Văn Hướng, thôn Phai Khằn, xã Đà Vị, huyện Na Hang là người dân tộc Tày. Với ý chí, nghị lực vượt khó và sức trẻ, anh đã vươn lên làm giàu nhờ sáng tạo và sản xuất thành công bún ngũ sắc được thị trường ưa chuộng.
Nhà anh Hướng có ba đời làm bún khô. Mỗi lần làm bún, anh Hướng đều phụ giúp bà nội và mẹ, từ đó kỹ năng làm bún khô truyền thống của người Tày Đà Vị thấm đẫm vào anh lúc nào không ai hay. Ban đầu, gia đình anh chỉ làm phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày. Một lần, xem bà nội nấu xôi ngũ sắc, anh nảy ra ý tưởng làm bún ngũ sắc. Màu sắc của bún được lấy từ thiên nhiên như màu vàng của nghệ; màu tím của lá cẩm tím; màu đỏ nhuộm từ lá cẩm đỏ...
Những mẻ bún đầu tiên được người tiêu dùng đón nhận. Đặc biệt, từ khi gắn sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm bún khô ngũ sắc do gia đình anh sản xuất tạo được thương hiệu, uy tín cao. Các siêu thị lớn cũng đặt vấn đề giao dịch, đưa vào bày bán.
Để nâng cao năng suất làm bún, anh Hướng chủ động bàn bạc với các thành viên ứng dụng khoa học công nghệ chế biến bún khô bằng các máy ép thủy lực thay vì làm thủ công như trước, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ manh mún nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa.
Đặc biệt, anh còn đổi mới cách tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm lên nền tảng xã hội để chào hàng, giới thiệu. Nhiều người ở các tỉnh, thành xa cũng đặt hàng. Nhờ đó, đầu ra sản phẩm luôn ổn định, các loại bún giá dao động từ 35.000 đến 45.000 đồng/kg.
Các nguyên liệu tạo bún như gạo bao thai được trồng theo từng vùng với quy mô hơn 60 ha tại xã Đà Vị, các loại lá cây làm màu cho bún được trồng ngay trong vườn nhà. Đến nay, sản lượng bún xcủa cơ sở anh sản xuất hàng năm đạt trên 30 tấn.
Ngoài ra, anh còn tạo việc làm ổn định cho cho 11 lao động, trong đó 50% là nhân công thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trung bình, thu nhập mỗi người dao động từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Hướng cho biết, từ giờ đến Tết, sản lượng có thể tăng gấp đôi năm trước do đã quen với khách hàng và nhu cầu tiêu dùng qua mạng xã hội tăng nhanh. Dự tính những tháng cuối năm, sản lượng cung cấp ra thị trường có thể đạt đến 7 - 8 tấn sản phẩm/tháng.
Tấm gương vươn lên trong cuộc sống của anh Hướng là động lực để các đoàn viên thanh niên khác cũng như người nghèo trong huyện Na Hang phấn đấu, tự lực, tự cường thoát nghèo.
Một trường hợp khác được Đoàn Thanh niên Na Hang hỗ trợ phát triển kinh tế là anh Trịnh Văn Hà, tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang. Anh Hà đang thực hiện ý tưởng nuôi cá nước lạnh công nghệ cao tại xã Năng Khả.
Mô hình theo quy trình khép kín, cá tầm sẽ được cung cấp ôxy bằng máy, chất thải hút bằng máy ra bể lắng và xử lý men vi sinh trước khi thải ra môi trường. Nếu nuôi đúng kỹ thuật, trọng lượng cá sau 2 năm có thể đạt 2,3 đến 2,5 kg/con, doanh thu trên bể nuôi 400 m2 có thể đạt trên 2 tỷ đồng.
Sau thời gian đầu nuôi thử nghiệm với kết quả khả quan, thời gian tới để mở rộng quy mô sản xuất, anh mong muốn chuyển mô hình sang thực hiện trên đất nuôi trồng thủy sản và được cấp phép sử dụng nguồn nước để giảm bớt chi phí…
Cũng là hộ nghèo, anh Nguyễn Văn Hiếu ở thôn Bản Thác, xã Yên Hoa, huyện Na Hang được Đoàn Thanh niên bảo lãnh vay vốn chính sách xã hội đầu tư nuôi trâu vỗ béo và dê nhốt chuồng. Anh xây dựng chuồng trại khang trang, kiên cố, rắc men vi sinh khử mùi, phía dưới có khe trữ phế thải. Thức ăn cho gia súc chủ yếu từ cỏ voi, ngô, thảo mộc….
Nhờ áp dụng công nghệ nuôi sinh học, đàn vật nuôi của gia đình anh Hiếu phát triển khỏe mạnh, tăng trọng tốt, chất lượng thịt ngon nên nhiều thương lái đến đặt hàng thường xuyên. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, mỗi năm anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Ngoài gia súc, anh mở rộng nuôi thêm gà, vịt...
Anh Hiếu còn đồng hành cùng nhiều thanh niên khác, tư vấn cho họ cách làm giàu. Với thành công đó, anh trở thành gương thanh niên tiêu biểu trong phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng ở địa phương.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020 - 2023, trên địa bàn huyện Na Hang đã phát triển thêm 33 mô hình khởi nghiệp mới của đoàn viên, thanh niên, tiêu biểu như: Hợp tác xã nông nghiệp thanh niên Năng Khả, Hợp tác xã thủy sản Na Hang, Hợp tác xã nông nghiệp xã Đà Vị, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Thượng Nông… và 4 mô hình tổ hợp tác thanh niên tại xã Yên Hoa, Thanh Tương, Sơn Phú, Khau Tinh đang mang lại hiệu quả.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên chưa thành công. Nguyên nhân do trình độ, kiến thức, kỹ năng của đoàn viên, thanh niên còn yếu….
Thời gian tới, Huyện Đoàn Na Hang sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình liên quan đến khởi nghiệp, giảm nghèo; hướng dẫn khoa học kỹ thuật tiên tiến để hỗ trợ thanh niên tự tin lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Qua đó góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.