Đảm bảo hiệu quả vốn tín dụng chính sách trong giảm nghèo ở Bảo Lâm
Những năm qua, vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả trong giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Bảo Lâm là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Cao Bằng, có 13 xã, thị trấn, với 153 khu, xóm; trong đó, có 13/13 xã thuộc khu vực III, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 49,08%; hộ cận nghèo chiếm 27,45 %.
Những năm qua, việc quan tâm đến các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Đảng bộ, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm, trong đó có công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế.
Vốn tín dụng chính sách đã đóng góp tích cực trong mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Từ nguồn vốn tín dụng này, người dân đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều mô hình như chăn nuôi trâu vỗ béo, trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng, nuôi lợn thịt, trồng hồi, quế, nuôi gà hữu đem lại hiệu quả kinh tế cao…
Anh Hoàng Văn Quang, khu 4, thị trấn Pác Mầu là một trong những hộ gia đình sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi. Trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Nông dân, gia đình anh được tiếp cận với nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Thời điểm đó, gia đình vay 100 triệu đồng để đầu tư nuôi bò vỗ béo. Ban đầu, anh dựng chuồng trại kiên cố, mua 4 con về nuôi theo công nghệ tiên tiến, có quạt mát và khử mùi bằng men vi sinh… Vật nuôi phát triển tốt, trọng lượng lớn. Sau khoảng 2 - 3 tháng xuất bán, anh Quang lãi khoảng 3 - 4 triệu đồng mỗi con.
Từ số tiền tích lũy đó, anh xoay vòng mỗi năm nuôi và xuất bán trên 10 con bò, thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/năm. Hiện anh dự định mở rộng chuồng trại chăn nuôi, vay thêm vốn để sản xuất.
Với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để đầu tư phát triển kinh tế, đời sống của gia đình anh Quang không ngừng được cải thiện, đến nay đã thoát nghèo. Anh mua thêm được xe máy đi lại và một số vật dụng trong nhà như điều hòa, tủ lạnh, ti vi…
Chị Dương Thị Ngoãn ở xã Quảng Lâm cũng từng thuộc diện hộ cận nghèo. Kinh tế chủ yếu dựa vào trồng ngô, khoai, sắn nên thu nhập rất bấp bênh. Từ khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ bảo lãnh vay vốn tín dụng chính sách để phát triển mô hình nuôi gà hữu cơ, kinh tế của gia đình chị ngày càng được cải thiện. Các con chị có cơ hội được tới trường, có thêm kinh phí để sửa chữa nhà dột nát.
Thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, hàng nghìn hộ gia đình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Bảo Lâm được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Tính đến hết tháng 6/2023, thông qua các tổ chức ủy thác, tổng dư nợ đạt 396 tỷ 515 triệu đồng, tăng 36 tỷ 909 triệu đồng, đạt 64% kế hoạch tăng trưởng được giao. Về chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã, 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện có 199 tổ xếp loại tốt, chiếm 92,1%, xếp loại khá 14 tổ, chiếm 6,5%, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 49,09% năm 2022.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn vốn cho vay ưu đãi, hạn chế phát sinh nợ quá hạn, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người được thụ hưởng sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Hằng năm, Phòng Giao dịch tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phân bổ kịp thời nguồn vốn vay đến các xã, thị trấn căn cứ vào tỷ lệ hộ nghèo và các mục tiêu, chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thành lập các điểm giao dịch đặt ở 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tại tất cả các điểm giao dịch đều niêm yết công khai các chủ trương, chính sách về chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay, công khai danh sách hộ vay trên địa bàn.
Bên cạnh đó, thực hiện phương thức quản lý vốn thông qua việc ủy thác vốn vay cho các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn, các hội đoàn thể hướng dẫn khu dân cư, tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, lập danh sách hộ vay, xây dựng dự án đề nghị chính quyền sở tại xác nhận đối tượng vay. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thẩm định tính khả thi của các dự án với quy trình cho vay chặt chẽ, khoa học, đúng quy định.
Việc nâng cao chất lượng nguồn vốn cho vay ưu đãi là mục tiêu xuyên suốt được Phòng Giao dịch đặc biệt quan tâm, thực hiện tốt thông qua việc quản lý nợ và xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan, đưa ra các giải pháp để xử lý các khoản nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi.
Cùng với đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn ngừa kịp thời các hạn chế, sai sót trong quá trình hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ theo dõi khai thác và tổng hợp số liệu theo quy định.
Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách mới về tín dụng chính sách đến với người nghèo, các đối tượng chính sách khác. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ tín dụng trong việc bám sát cơ sở, hướng dẫn hộ vay cách thức sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.