Đa dạng mô hình sinh kế giúp người dân Bắc Giang tự lực thoát nghèo
Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương để lựa chọn hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất là giải pháp giảm nghèo quan trọng của tỉnh Bắc Giang.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025), toàn tỉnh Bắc Giang còn hơn 17,9 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,81%, giảm 1,46% so với năm 2021; cận nghèo còn hơn 19,7 nghìn hộ, chiếm tỷ lệ 4,2%, giảm 1,04% so với năm 2021.
10/10 huyện, thành phố đều hoàn thành kế hoạch giảm nghèo năm 2022; riêng huyện Sơn Động, tỷ lệ hộ nghèo còn 20,8%, giảm 4,98% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra.
Kết quả này thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh khi triển khai các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của Trung ương, tỉnh về giảm nghèo.
Cùng với huy động tối đa các nguồn lực, việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế địa phương để lựa chọn hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất, đa dạng sinh kế là giải pháp quan trọng của tỉnh Bắc Giang trong thực hiện giảm nghèo bền vững.
Nhiều mô hình thoát nghèo hiệu quả, mang lại thu nhập cao, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Điển hình là mô hình trồng sen ở huyện Yên Dũng của Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc.
Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc đang thâm canh gần 11 ha sen lấy củ tại thôn Đông Phú, với 2 loại giống là sen hương và sen ngọt (còn gọi là sen cao sản). Thời tiết thuận lợi, thâm canh đúng kỹ thuật nên năng suất sen hương đạt khoảng 12,5 tấn/ha, giá bán dao động từ 25 - 30 nghìn đồng/kg; sen ngọt năng suất đạt gần 22,2 tấn/ha, giá bán dao động từ 18-20 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, hợp tác xã còn dành diện tích trồng sen lấy bát, lá.
Sau 6 tháng trồng, trừ chi phí ban đầu, các hộ thành viên của hợp tác xã thu lãi bình quân hơn 138 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Nhiều hộ trồng sen từng nằm trong danh sách hộ nghèo, từ khi triển khai mô hình này, kinh tế phát triển ổn định, có lợi nhuận và điều kiện xây dựng nhà.
Xã Tiến Thắng, huyện Yên Thế có 3 thôn đặc biệt khó khăn gồm: Rừng Chiềng, Song Sơn, Hố Luồng với hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số Nùng, Tày, Sán Dìu. Năm 2022, toàn xã còn 85 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,04%, giảm 1,78% so với năm 2021 và giảm 29,5% so với năm 2015 (năm đầu thực hiện rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều).
Gia đình chị Hoàng Thị Thế, sinh năm 1973, dân tộc Tày ở thôn Hố Luồng là một trong những hộ nghèo được hưởng lợi từ dự án hỗ trợ sinh kế. Khoảng 10 năm trước, cuộc sống gia đình chị khó khăn, chồng đau ốm quanh năm.
Năm 2017, chị và 8 hộ nghèo khác trong xã được hỗ trợ mỗi hộ 2 con bò sinh sản từ dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo của huyện. Cán bộ khuyến nông huyện xuống nhà hướng dẫn tỉ mỉ quy trình nuôi, vệ sinh chuồng trại, phòng dịch bệnh. Đến nay, chị đã xuất bán được 4 lứa.
Từ nguồn tích luỹ, cùng với vay mượn thêm người thân, năm 2019, chị Thế còn cải tạo khu vườn đồi cằn cỗi trồng 50 gốc vải thiều. Nhờ đó, năm 2022, gia đình chị đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Ông Vi Văn Sáu, sinh năm 1969 ở thôn Mới, xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn từng là một trong những hộ nghèo nhất xã. Năm 2016, ông mạnh dạn vay vốn cải tạo đất vườn đồi, tìm hiểu kỹ thuật trồng vải; đồng thời xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê, trâu, có lúc lên đến vài chục con. Đến năm 2021, gia đình ông tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Hương Sơn là xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế về địa hình, vài năm gần đây, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà. Vì vậy, khi triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xã dành phần lớn kinh phí đầu tư cho hoạt động hỗ trợ sinh kế, phát triển các mô hình sản xuất, nhất là ở 2 thôn đặc biệt khó khăn là Khuôn Giàn và Hèo.
Toàn xã có 100 hộ trồng dứa với khoảng 150 ha, 30 hộ chăn nuôi gà với quy mô 6 - 10 nghìn con/lứa; các hộ này đều có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Tiêu biểu là chị Đào Thị Yến ở thôn Hèo. Năm 2016, chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng số tiền dành dụm được, chị bắt tay vào xây dựng chuồng trại nuôi gà thả vườn. Sau đó, chị tiếp tục đầu tư chăn nuôi lợn.
Đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị Yến xuất bán 3 lứa gà thịt, 2 lứa lợn, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Lứa vừa rồi, chị xuất được 1,5 nghìn con gà và 60 tấn lợn, đầu ra được bao tiêu thuận lợi. Năm 2020, chị tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.
Ngày trước, điều kiện kinh tế của gia đình chị Trần Thị Phượng, dân tộc Dao ở thôn Đồng Làng, xã Dương Hưu, huyện Sơn Động rất khó khăn. Chị mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng keo lai. Sau 3 năm ứng dụng kỹ thuật mới, gia đình chị thu nhập được 100 triệu đồng/ha keo lai. Với thành công bước đầu, chị mở rộng diện tích trồng và vận động, hướng dẫn chị em trong thôn cùng tham gia.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang Khóa XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1%, trong đó, các xã đặc biệt khó khăn còn 12,6%.
Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Bắc Giang tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ cơ sở, người nghèo. Thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo; tiếp tục rà soát, lồng ghép hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư trên cơ sở hỗ trợ có điều kiện, ưu tiên vùng khó khăn hơn. Tăng cường tín dụng chính sách, đơn giản thủ tục để 100% hộ nghèo tiếp cận vốn ưu đãi...