Cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân thoát nghèo, nâng cao đời sống
Từ khi có cánh đồng mẫu lớn, nông dân xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) được tiếp cận cách sản xuất hiện đại, khoa học, năng suất tăng gần gấp đôi, thu nhập của bà con tăng lên đáng kể.
Từ khi có cánh đồng mẫu lớn, nông dân xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) được tiếp cận cách sản xuất hiện đại, khoa học, năng suất tăng gần gấp đôi, thu nhập của bà con tăng lên đáng kể.
Giảm chi phí đầu vào, dễ tiêu thụ sản phẩm
Xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) có 3.120 hộ dân với 11.560 nhân khẩu, trong đó dân tộc Khmer chiếm hơn 62%. Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa.
Do địa hình xã là vùng đất cao, khó tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ lúa trong mùa mưa. Để khắc phục tình trạng này, năm 2006 huyện Tiểu Cần đầu tư xây dựng kênh bê tông phục vụ tưới tiêu lúa cho bà con nông dân và năm 2007 hoàn thành kênh bê tông. Kênh bê tông này gồm kênh chính dài 1,7 km và 18 kênh nhánh dài 6,7 km. Từ khi có kênh bê tông, nông dân chủ động được nguồn nước, tiết kiệm nước trong giai đoạn khô hạn, mặn xâm nhập; hiệu quả trồng lúa tăng lên đáng kể.
Anh Thạch Thắng, người dân xã Phú Cần, cho biết: "Cánh đồng mẫu lớn diện tích 110 ha, hình thành năm 2007 khi xây kênh bê tông. Nước tưới dân không lo, không mất tiền nước, vì nhà nước lo hết. Hồi khi chưa tham gia cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng cao manh mún đủ ăn thôi không dư giả. Khi có cánh đồng mẫu lớn làm 3 vụ. Lúa chất lượng cao, có thương lái mua đầu ra dễ dàng. Một năm 1 công lúa lợi nhuận thu về được mấy trăm ngàn đồng".
Cánh đồng mẫu lớn là cách sản xuất mới, nông dân cùng liên kết những thửa ruộng nhỏ lẻ lại với nhau, cùng áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, dễ tiêu thụ sản phẩm, tăng năng suất sản xuất.
Hiện nay, xã Phú Cần có 126 hộ dân tham gia mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Trong sản xuất lúa của nông dân đã tích hợp được mô hình sản xuất “ngập - khô xen kẽ” nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài tiết kiệm chi phí, sản xuất “ngập - khô xen kẽ” giúp cho lúa nở tốt hơn, tăng năng suất, hạn chế lúa đổ ngã. Đến vụ lúa Đông - Xuân 2021 - 2022 đã có trên 50% diện tích sản xuất lúa trong xã được nông dân ứng dụng vào trong ruộng của gia đình.
Dễ tiếp cận các chính sách phát triển
Ông Bùi Trường An, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Cần, cho biết: "Bước đầu triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn hộ dân chưa tin tưởng gì mấy nhưng khi đi vào hoạt động rất hiệu quả. Từ đó, dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương. Mô hình này được tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân huyện rất quan tâm. Thời gian qua thực hiện rất hiệu quả. Trước đây, năng suất lúa bình quân 4,2 tấn lúa/ha nhưng từ khi xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng suất lúa tăng lên từ 6,5 đến 7,5 tấn lúa/ha.
Thu nhập của bà con tăng lên đáng kể. Đối với cánh đồng mẫu lớn, xã giao Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần quản lý. Trong quá trình sản xuất có tập huấn cho hộ dân về kỹ thuật canh tác lúa, phòng trừ sâu bệnh. Nông dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần thành lập năm 2013. Xã Phú Cần hướng tới thành lập thêm hợp tác xã nông nghiệp Phú Thịnh phối hợp với hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần bao tiêu sản phẩm đầu vào, đầu ra".
Cánh đồng lớn ở xã Phú Cần gắn với chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản giúp nông dân. Ông Thạch Xê, hội viên hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần, kể: "Cánh đồng mẫu lớn có nhiều nông dân tham gia, phân đất cho mình tự sản xuất, nhà nước quản lý về tưới tiêu, mua bán lúa cho mình.Ở đây người dân không mất tiền nước tưới tiêu.
Còn nếu không mỗi hộ mất 200 ngàn đồng tiền nước tưới cho 1.000 m2. Hợp tác xã đứng ra cung cấp giống bao tiêu sản phẩm thu hoạch. Lúa thu hoạch có hợp tác xã bao tiêu mua bán cho mình nên không phải lo thương lái ép giá. Những thành viên hợp tác xã chung tay lại cùng nhau làm. Từng khu vực khu vực của ai người đó phụ trách. Gia đình tôi trồng 1,5 ha lúa và chăn nuôi bò để có thêm thu nhập. Mỗi vụ lúa trừ chi phí được lãi khoảng 20 triệu đồng, cả năm thu về được khoảng 50 triệu đồng".
Thực tế cho thấy, hầu hết nông dân sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ở Trà Vinh đều đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Chủ trương sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tham gia hợp tác xã nhằm xây dựng vùng sản xuất lúa chất lượng tập trung, giảm giá thành, tăng lợi nhuận và mở rộng thị trường tiêu thụ; đồng thời, giúp bà con nông dân dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư...
Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, tỉnh Trà Vinh đã làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, tăng thu nhập giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trà Vinh đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 – 4%/năm.
Giao Linh, Ngân Phương, Anh Dũng