Bạch Thông đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nghèo
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) chú trọng đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Nhằm thúc đẩy giảm nghèo bền vững, góp phần tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp nâng cao đời sống người dân, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức 14 hội nghị tuyên truyền tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề... tại các xã, thị trấn, với trên 1.000 người tham dự. Phát 8.700 phiếu khảo sát nhu cầu học nghề, kết quả có trên 1.200 người đăng ký học nghề dưới 3 tháng. Cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức 34 lớp đào tạo nghề, chủ yếu căn cứ nhu cầu và phù hợp với tình hình thực tế các địa phương.
Bà Phùng Thị Hiến, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bạch Thông cho biết, lao động nông thôn sau khi học nghề phần lớn đã áp dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất. Nhiều trường hợp được tiếp nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất.
Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây, phần lớn trong số họ đã mạnh dạn áp dụng những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề… mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ nhiều nghề mới đang cho thu nhập khá mà ngay trong sản xuất nông nghiệp, nhiều gia đình đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác nâng cao năng suất và sản lượng lương thực so với trước đây. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở các địa phương.
“Hằng năm, huyện khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn để từ đó tổ chức các lớp đào tạo các ngành nghề phù hợp với nhu cầu người lao động. Qua thực tế các lớp đào tạo nghề được mở như: Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; nuôi và phòng trị bệnh cho thủy cầm; kỹ thuật trồng rau; kỹ thuật trồng, thâm canh cây có múi... đa số các học viên nắm được kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, nâng cao thu nhập”, bà Hiến nói.
Trong thời gian tới, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tích cực tham mưu với UBND huyện, tăng cường phối hợp trong tuyên truyền, vận động, tổ chức công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, giải quyết việc làm giúp cho lao động nông thôn có thêm thu nhập. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về số lượng, chất lượng đào tạo, đặc biệt là giải quyết việc làm sau đào tạo nghề…