Bắc Kạn: “Ngân hàng bò” giúp đồng bào giảm nghèo bền vững
Nhiều tổ chức đã có những hình thức hỗ trợ hiệu quả đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn. Trong đó, việc hỗ trợ bò giống theo Chương trình cho vay bò cái sinh sản “Ngân hàng bò” đã tạo cho đồng bào “cần câu” để xóa đói, giảm nghèo.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 2% - 2,5%, huyện nghèo giảm từ 3,5% - 4%. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống…
![](https://static2-images.vnncdn.net/files/publish/2023/3/16/ngan-hang-bo-107.jpg?width=0&s=Q0BbcNo_-HTdvWn325a9MQ)
Theo số liệu rà soát năm 2022 của Ủy ban tỉnh, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 20.354 hộ, chiếm tỷ lệ 24,82%, giảm 2,55%; số hộ cận nghèo là 7.684 hộ, chiếm tỷ lệ 9,06%, giảm 0,47%. Có thể thấy rằng, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của năm 2022 đã hoàn thành tốt so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,82%.
Chương trình “Ngân hàng bò” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn quản lý được triển khai từ năm 2012 tại các huyện đặc biệt khó khăn như Ba Bể, Pác Nặm… Ban Quản lý dự án “Ngân hàng bò” tỉnh tuyển chọn những con bò giống từ 18 đến 24 tháng tuổi, cân nặng từ 120 đến 150 kg, có khả năng sinh sản tốt, khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, chủ yếu là giống bò tại địa phương phù hợp với khí hậu và tập quán chăn thả của người dân.
“Ngân hàng bò” giúp mỗi hộ nghèo một con bò sinh sản. Khi bò sinh bê con đầu, nếu là bê cái sẽ trao cho hộ nghèo khác; nếu là bê đực thì giao cho Hội Chữ thập đỏ bán để mua bê cái, sau đó trao cho hộ nghèo khác. Gia đình giao bê xong chính thức được sở hữu con bò đã sinh sản đó. Đây là hoạt động mang tính nhân văn, góp phần giúp các hộ thoát nghèo bền vững.
Từ khi triển khai dự án, nhiều gia đình ở huyện Pác Nặm đã chăm sóc tốt đàn bò, có hộ bò giống đã sinh sản được 3 - 4 con bê như gia đình ông Hoàng Văn Dinh ở thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La; anh Triệu Văn Dùng ở thôn Khuổi Thao... Qua đó, mỗi hộ có thu nhập 10 - 20 triệu đồng/năm.
Năm 2014, gia đình bà Lý Thị Quế ở thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn) cũng là một trong những hộ được lựa chọn trao bò. Sau 8 năm thực hiện, từ 1 con bê nhỏ được hỗ trợ, gia đình bà đã có 4 con bò, mang lại nguồn thu đáng kể. Bà Quế cho biết: "Gia đình tôi chủ động trồng cỏ, nấu bột ngô để chăn, hơn 2 năm thì bò sinh sản được 1 con bê đực. Theo cam kết, con bê đầu tiên sẽ luân chuyển sang cho hộ nghèo khác nếu là con cái, còn con đực sẽ đem bán đấu giá để mua bổ sung vào “Ngân hàng bò”. Vì vậy, tôi mua lại với giá 10 triệu đồng, sau 1 năm bán được 23 triệu đồng".
Nhờ tập trung chăn nuôi, gia đình bà Quế đã thoát nghèo và năm 2019 đã xây dựng căn nhà rộng rãi, kiên cố.
Tại huyện Ngân Sơn, "Ngân hàng bò” đã được triển khai thực hiện ở xã Hiệp Lực, Trung Hòa, thị trấn Nà Phặc, Thượng Ân. Từ hỗ trợ ban đầu 20 con cho 20 gia đình phụ nữ nghèo, sau gần 8 năm thực hiện, nhờ làm tốt công tác chăm sóc, quản lý, thú y, đàn bò đã phát triển lên 40 con. Có 35 hộ được hưởng lợi từ chương trình, trong đó có 5 hộ đã thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: “Đây là một trong những chương trình hỗ trợ giảm nghèo mang tính bền vững, bởi không chỉ hỗ trợ con giống ban đầu mà còn phát huy tính tích cực của hộ nghèo trong lao động sản xuất. Sự thành công của "Ngân hàng bò" là minh chứng cho thấy hiệu quả và ý nghĩa thiết thực của việc trao sinh kế - trao “chiếc cần câu” của các địa phương, góp phần giúp thêm nhiều đồng bào có cơ hội thoát nghèo”.
Văn Quý, Ngân Phương, Huy Phúc